Vào ngày 30 tháng 7 năm 2018, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tổ chức Rikolto đã cùng tổ chức hội thảo “10 năm triển khai Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và giới thiệu bộ công cụ mới”. Sự kiện này đã kết thúc dự án đúc kết kinh nghiệm về PGS tại Việt Nam để mở rộng và thể chế hóa kéo dài trong vòng một năm. Dự án được tài trợ bởi Liên minh nghiên cứu sinh thái nông nghiệp Đông Nam Á.
Hệ thống nông sản Việt Nam đã trải qua một bước chuyển biến nhanh và sâu sắc. Trong khi nhu cầu về thực phẩm an toàn, chất lượng và rõ nguồn gốc của người tiêu dùng đang ngày càng tăng lên, nguồn cung nông sản an toàn hiện vẫn bấp bênh và các sản phẩm này thường khá đắt đỏ. Một cơ chế đảm bảo chất lượng là điều kiện cần để giúp người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm an toàn thực sự đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí cao, thủ tục giấy tờ và yêu cầu phức tạp không phải lúc nào cũng phù hợp với nông hộ nhỏ và thị trường địa phương. Để giải quyết những thách thức này, nông dân, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác đã tìm ra một hệ thống chứng nhận phù hợp hơn với nông hộ. Vào năm 2008, tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á Đan Mạch (ADDA) lần đầu tiên giới thiệu về Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng sử dụng để chứng nhận rau hữu cơ tại Việt Nam. 10 năm sau, PGS được nhân rộng ra 6 tỉnh và 9 huyện, với sự tham gia của 725 nông dân.