1. Người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm an toàn
Các PGS được xây dựng từ nhiều năm trước và tham gia nhiều hoạt động truyền thông thì hoạt động tốt hơn nhờ uy tín với khách hàng và người tiêu dùng. Các PGS còn non trẻ và nằm xa các khu vực đô thị thì phải nỗ lực hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu khách hàng do kênh phân phối không ổn định, thương hiệu yếu, ít chủng loại rau và số lượng nhỏ lẻ. Thách thức lớn nhất là hình thức chứng nhận PGS chưa được nhà nước thừa nhận và chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.
2. Thu nhập và tiếp cận thị trường
Những PGS hoạt động tốt rõ ràng đã tăng khả năng tiếp cận thị trường cho thành viên của mình. Nghiên cứu cho thấy thu nhập của nông dân từ rau PGS cao hơn so với rau không có chứng nhận PGS và các loại cây trồng khác, ví dụ như lúa. Ở xã Thanh Xuân, Hà Nội và xã Tứ Xã, Phú Thọ, thu nhập trung bình của nông dân từ rau an toàn và rau hữu cơ PGS dao động từ 2,5 đến 10 triệu VND/tháng, tùy theo quy mô sản xuất và mùa vụ. Dù đa số các PGS có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các nhà bán lẻ hay bếp ăn tập thể, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn để đáp ứng yêu cầu về chủng loại và số lượng của người mua.
3. Bền vững về môi trường
Tại các địa bàn thực hiện PGS, nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc GAP, tính bền vững về môi trường được đảm bảo. Theo quy định trong PGS hữu cơ, nông dân không được phép sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học cũng như phá rừng và các hệ sinh thái khác. Các biện pháp bảo tồn đất, chống nhiễm mặn cũng là yêu cầu. Trong GAP cơ bản, nông dân phải 1) sử dụng hóa chất trong danh mục cho phép, 2) học về IPM, 3) ghi chép hóa chất đã được sử dụng, và 4) quản lý rác thải an toàn. Người nông dân khẳng định sức khỏe của họ và độ phì của đất đã được cải thiện.
4. Bền vững về mặt xã hội và xây dựng cộng đồng
Nông dân cho biết từ khi bắt đầu thực hiện PGS, họ cảm thấy tính gắn kết cộng đồng giữa nông dân chặt chẽ hơn, họ học được trách nhiệm của mình với cộng đồng. Một số nông dân đánh giá cao tầm quan trọng của sư hỗ trợ và sự nhiệt tình của nhóm trong việc khuyến khích họ theo đuổi sản xuất hữu cơ. Một số PGSs thường tổ chức các hoạt động cộng đồng và hội chợ để nông dân chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Có 3 liên nhóm tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các tour sinh thái tổ chức cho học sinh và gia đình.