Khuyến nghị chính sách: tạo dựng niềm tin đối với chuỗi giá trị rau an toàn và rau hữu cơ thông qua hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee Systems - PGS)

Khuyến nghị chính sách: tạo dựng niềm tin đối với chuỗi giá trị rau an toàn và rau hữu cơ thông qua hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee Systems - PGS)

13/08/2018

Thế nào là Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee Systems - PGS)? Hệ thống này vận hành như thế nào, đã đạt được những thành tựu gì? Những bài học gì đã được rút ra khi vận hành hệ thống này? Bản khuyến nghị chính sách này sẽ giúp trả lời tất cả các câu hỏi trên, và đưa ra những khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của PGS tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án “Đúc kết kinh nghiệm từ Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng ở Việt Nam để nhân rộng và thể chế hóa” được tài trợ bởi Liên minh nghiên cứu sinh thái nông nghiệp Đông Nam Á, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Rikolto đã nghiên cứu các hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng đang hoạt động tại Việt Nam để đánh giá điểm mạnh, yếu của các hệ thống này và đưa ra các khuyến nghị cải thiện PGS trong bối cảnh nước ta. Dưới đây là một số điểm chính trong bản khuyến nghị chính sách mà bạn có thể tải về ở cuối trang này.

PGS là gì?

IFOAM – Liên đoàn các phong trào hữu cơ quốc tế định nghĩa PGS là “một hệ thống đảm bảo chất lượng với chi phí thấp tại địa phương, lấy kiểm soát xã hội và xây dựng kiến thức làm trung tâm”. Đơn giản mà hiệu quả, hệ thống chứng nhận này có sự tham gia của nhiều bên liên quan như nông dân, người tiêu dùng, nhà bán lẻ, tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương vào việc đảm bảo chất lượng nông sản. PGS không tốn kém hay phức tạp như chứng nhận bên thứ ba, do đó phù hợp hơn với điều kiện thực tế của nông hộ nhỏ. Các quy định cụ thể của mỗi PGS được xây dựng bởi sự đóng góp của các bên liên quan. Những quy định đó được áp dụng linh hoạt theo bối cảnh, có cân nhắc đến yếu tố cộng đồng đơn lẻ, khu vực địa lý, môi trường văn hóa và thị trường.

PGS được IFOAM khởi xướng và hiện đã có mặt tại 66 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, cơ chế của PGS được thực hiện với một trong hai bộ tiêu chuẩn: 1) Tiêu chuẩn PGS Hữu cơ Việt Nam – được IFOAM thông qua vào năm 2013 hoặc 2) BasicGAP – một tài liệu hướng dẫn sản xuất rau an toàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành ngày 2/7/2014 (Quyết định 2998/QĐ-BNN-NT, 2014).

Vì sao lựa chọn PGS?

Ở Việt Nam, chứng nhận rau an toàn và rau hữu cơ do bên thứ ba cung cấp thường tốn kém, đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ và dựa trên các tiêu chí vô vùng phức tạp đối với nông hộ nhỏ. Trong khi đó PGS dựa trên các quy định được đơn giản hoá và có chi phí hợp lý hơn rất nhiều (trung bình 50.000 VND/năm/nông dân). Hơn nữa, các quy định của PGS được xây dựng bởi sự đóng góp của các bên liên quan, có cân nhắc đến yếu tố cộng đồng đơn lẻ, khu vực địa lý, môi trường văn hoá và thị trường. Vì vậy, chứng nhận này thường phù hợp hơn trong bối cảnh của địa phương.

Các hệ thống PGS ở Việt Nam đã đạt được những kết quả gì?

Các PGS đã đạt được nhiều kết quả khả quan về an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, phát triển cộng đồng và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tại Phú Thọ, nhờ PGS, nông dân địa phương đã có thể bán được sản phẩm rau của mình cho một chuỗi siêu thị hàng đầu tại Việt Nam với giá bán cao gấp 1,5 đến 3 lần giá thị trường. Tiêu chí bền vững môi trường tại các trang trại PGS được người nông dân tuân thủ theo tiêu chuẩn hữu cơ hoặc tiêu chuẩn GAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Trong khi PGS hữu cơ không cho phép sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật và phân hoá học, thì theo BasicGAP, nông dân phải ghi chép nhật ký sử dụng cho bất kỳ loại hoá chất nông nghiệp nào và phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng hoá chất trong nông nghiệp do nhà nước ban hành.

Tìm hiểu thêm về PGS tại Việt Nam qua bản Tóm tắt nghiên cứu về PGS của chúng tôi và Học viên Nông nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu kinh nghiệm

Bài học gì đã được rút ra?

Dưới đây là những bài học quan trọng nhất được rút ra từ kinh nghiệm thực hiện PGS tại Việt Nam:

  • Một thị trường mạnh và ổn định là nhân tố quyết định thành công của các PGS. Những hệ thống có thể bán sản phẩm cho người mua thường xuyên đã gia tăng số lượng thành viên và diện tích sản xuất qua các năm.
  • Các PGS đầu tư vào hoạt động quảng bá tại địa phương thông qua phương tiện truyền thông, hội thảo, hội nghị, cửa hàng tại chợ địa phương và các chuyến tham quan nông nghiệp được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng hơn và có thị trường tốt hơn.
  • Để phát triển lớn mạnh và bền vững, các PGS phải huy động nguồn lực từ các thành viên và giữ lại một phần lợi nhuận từ việc bán rau
  • 2 hệ thống PGS đang giậm chân tại chỗ do thiếu sự chỉ đạo sát sao từ Ban điều phối địa phương. Một khoản phụ cấp nhỏ cho những nỗ lực của thành viên không đủ để khích lệ họ làm việc.

Để có thể nhân rộng được những kết quả tốt của việc thực hiện PGS tại Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng một khung chính sách nhằm công nhận và thúc đẩy PGS như một cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm hữu cơ và an toàn có hiệu quả

Ông Hoàng Thanh Hải Điều phối viên Chương trình Rau

Khuyến nghị chính sách

Cho Chính phủ

  • Phân tích các khung chính sách và khung thể chế liên quan đến đảm bảo chất lượng nhằm xác định có thể lồng ghép PGS vào đâu.
  • Giao IPSARD xây dựng kế hoạch chính thức công nhận và thể chế hóa PGS trong các chính sách của chính phủ.
  • Xác định các khu vực phù hợp để xây dựng PGS và đưa các khu vực này vào quy hoạch.

Cho chính quyền cấp tỉnh và cấp địa phương

  • Hỗ trợ chính sách dồn điền đổi thửa cho các PGS để thúc đẩy việc hình thành những nhóm nông dân có diện tích sản xuất liền kề.
  • Thúc đẩy các PGS đến với cộng đồng và người mua thông qua việc tổ chức các chuyến thăm thực địa, hội chợ và hội thảo.
  • Hỗ trợ tài chính cho các PGS mới để thực hiện tập huấn, phân tích dư lượng trong mẫu và chi phí đầu tư ban đầu.
  • Hỗ trợ PGS thông qua các chương trình tập huấn toàn diện, lấy người học làm trung tâm, hướng đến nâng cao năng lực sản xuất hữu cơ/an toàn, kỹ thuật xử lý và lưu trữ sau thu hoạch, kỹ năng kinh doanh, lập kế hoạch sản xuất và năng lực tổ chức của nông dân.
  • Hỗ trợ các PGS xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với những tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên để khuyến khích nông dân tham gia và tăng tính nhận diện PGS.
  • Xác định các khu vực phù hợp để xây dựng PGS và đưa các khu vực này vào quy hoạch.

Liên hệ

Hoang Thanh Hai
Hoang Thanh Hai
Vegetable and Tea Programme Coordinator
+84-24 6258 3640/41 - ext. 32