Liên kết thị trường: ứng dụng CNTT trong chuỗi giá trị nông sản

Liên kết thị trường: ứng dụng CNTT trong chuỗi giá trị nông sản

24/10/2022

Mô hình liên kết chuỗi giá trị dưa chuột

Theo nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, sản xuất theo chuỗi giá trị là hình thức liên kết từ cung ứng đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm. Phương thức này giúp các tác nhân tham gia chuỗi được chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, điều tiết cung cầu thị trường và thúc đẩy quá trình truy xuất nguồn gốc. Đây là mô hình sản xuất bền vững, góp phần tăng thu nhập và giảm rủi ro cho nông dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi xây dựng liên kết giữa các tác nhân. Bài viết dưới đây xin giới thiệu mô hình liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp giữa Hợp tác xã (HTX) An Hòa và các nhóm nông dân trồng dưa chuột tại tỉnh Tuyên Quang, cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tăng cường liên kết.

HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa có trụ sở chính tại xã An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Với mặt hàng chủ lực là dưa chuột, HTX liên hệ chặt chẽ với các thành viên, hỗ trợ từ khâu đầu vào (giống, phân bón, v.v..) cho đến các kỹ thuật (canh tác, sơ chế, đóng gói, v.v…). Với sự hỗ trợ của Rikolto nhằm nâng cao năng lực sản xuất và quản lý cho đội ngũ quản lý và các thành viên, đến nay HTX An Hòa đã trở thành một trong những nhà cung cấp dưa chuột lớn cho siêu thị BigC toàn miền Bắc, một số công ty xuất khẩu và chợ đầu mối. Năm 2020, HTX An Hòa mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, và từng bước xây dựng mô hình kinh doanh bao trùm với các nhóm nông dân.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dựa chuột trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022, mô hình liên kết dưa chuột đã thu hút trên 50 nhóm hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác tại 28 xã, với quy mô trên 300 ha. Qua đánh giá của các nhóm tham gia, mô hình đã thể hiện rõ vai trò liên kết của nông dân và doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, cho thấy tính minh bạch về trao đổi thông tin và quy trình giám sát, hỗ trợ kỹ thuật rất rõ ràng.

Sử dụng Zalo để tăng cường liên kết

Về việc lập kế hoạch sản xuất, trưởng nhóm sẽ thu thập diện tích đăng ký của các thành viên, tổng hợp và báo cáo lại cho HTX An Hòa. HTX An Hòa sẽ cùng các trưởng nhóm cân đối và điều chỉnh lại diện tích, nếu cần thiết để đảm bảo sản lượng cung cấp đáp ứng theo nhu cầu. Sau đó, HTX An Hòa ký kết hợp đồng với từng hộ nông dân dựa trên diện tích và sản lượng đã thống nhất. Các trưởng nhóm hỗ trợ HTX làm việc với từng hộ nông dân để hoàn thiện hợp đồng và gửi đến HTX An Hòa. Khi dưa vào vụ thu hoạch, các tổ sản xuất sẽ báo cáo sản lượng từng ngày cho HTX An Hòa vào tối hôm trước. HTX An Hòa sẽ điều phối xe tới thu mua vào sáng ngày hôm sau. Hai bên cũng thống nhất trước về quy cách sản phẩm như bao đựng, cân nặng trong từng bao, mẫu mã, kích thước và địa điểm tập kết để công việc thu mua được tiến hành nhanh chóng.

Điểm nhấn của mô hình kinh doanh này là việc ứng dụng Zalo để trao đổi thông tin giữa HTX và các nhóm sản xuất. Nhóm Zalo được thành lập bao gồm HTX An Hòa, các trưởng nhóm và nông hộ tham gia. Đầu mỗi buổi sáng, HTX An Hòa thông báo giá cả thu mua trong ngày vào nhóm Zalo. Cuối ngày, HTX sẽ cập nhật và phản hồi về tình hình sản phẩm đã mua trong ngày, như số lượng cân đủ/thiếu, mẫu mã, kích thước của từng hộ so với tiêu chí của HTX. Như vậy, thông tin được công bố một cách rõ ràng, minh bạch và kịp thời. Nhóm Zalo cũng rất hữu ích trong việc HTX hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất cho bà con nông dân. Trong quá trình sản xuất, người dân gặp bất cứ vấn đề gì đều có thể nêu ngay câu hỏi lên nhóm và chụp ảnh để mô tả chi tiết hơn. Nhân viên hỗ trợ kĩ thuật của HTX sẽ trực tiếp trả lời ngay trong ngày để các thành viên khác gặp vấn đề tương tự cùng được giải đáp. Nếu có vấn đề khẩn cấp, người dân có thể gọi điện trực tiếp để được tư vấn kịp thời. Cán bộ kĩ thuật của HTX cũng sẽ xuống vùng sản xuất định kỳ để trao đổi trực tiếp. Hộ nông dân nào không tham gia nhóm Zalo cũng có thể gọi điện trao đổi trực tiếp.

HTX An Hòa thường xuyên cập nhật và chia sẻ các thông tin liên quan tới sản xuất và tiêu thụ cho các nhóm, từ đó giúp nông dân nắm vững hơn các tiêu chuẩn, và kịp thời điều chỉnh trong quá trình sản xuất. HTX cũng đảm bảo thanh toán tiền cho người dân một tuần sau khi thu mua dưa để người dân có thể quay vòng vốn nhanh chóng.

Trưởng nhóm xã Thành Long, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.

Có thể thấy, mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị giữa HTX An Hòa và bà con nông dân tỉnh Tuyên Quang đã giúp cả phía nông dân và HTX An Hòa chia sẻ trách nhiệm và lợi ích một cách công bằng. Các khâu từ lập kế hoạch, hỗ trợ sản xuất, thu mua và tiêu thụ đều được xây dựng theo quy trình với các ý kiến trao đổi, đóng góp từ hai phía. Sau hai năm triển khai, mô hình đã đem lại doanh thu trên 87 tỷ đồng, cải thiện thu nhập và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Trong thời gian tới, Rikolto sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông để hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, giúp mô hình đảm bảo kế hoạch, phòng trừ sâu bệnh và phân vùng hợp lý. Hy vọng mô hình sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng ở các chuỗi giá trị khác.