Hướng đến hệ thống thực phẩm đô thị an toàn và bền vững ở Việt Nam

Hướng đến hệ thống thực phẩm đô thị an toàn và bền vững ở Việt Nam

Rikolto quyết định lấy Khung Hệ thống thực phẩm của CIAT làm khung hướng dẫn.

I. Hệ thống thực phẩm bền vững là gì?

Hệ thống thực phẩm bền vững là hệ thống hướng đến mục tiêu an ninh lương thực và dinh dưỡng, chế độ ăn lành mạnh, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện phúc lợi kinh tế - xã hội.

Do đó, các hệ thống thực phẩm bền vững bảo vệ và tôn trọng đa dạng sinh học và hệ sinh thái, cũng như sức khỏe của con người và công bằng xã hội.

Hệ thống thực phẩm bền vững cung cấp các loại thực phẩm phù hợp về mặt văn hóa, công bằng về kinh tế, giá cả phải chăng, đầy đủ dinh dưỡng, an toàn và lành mạnh trên cơ sở đảm bảo cân bằng giữa tính toàn vẹn của hệ sinh thái nông nghiệp và phúc lợi xã hội.

II. Những nhân tố ảnh hưởng đến hệ thống thực phẩm - các giai đoạn và kết quả

1. Những nhân tố ảnh hưởng đến hệ thống thực phẩm

Bất kỳ tác nhân, yếu tố hay khung chính sách nào thúc đẩy hoặc định hình bên trong hay bên ngoài hệ thống thực phẩm đều có thể là các nhân tố ảnh hưởng. Các nhân tố chính bao gồm đặc điểm nhân khẩu học, kinh tế - xã hội - văn hóa, công nghệ, chính sách và môi trường.

2. Các hoạt động và tác nhân của hệ thống thực phẩm

Hệ thống thực phẩm bền vững có liên quan với nhau và phản ánh toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, từ tiền sản xuất và sản xuất đến chuỗi cung ứng và tiêu dùng:

a. GIAI ĐOẠN “TIỀN SẢN XUẤT”

Tính bền vững của một hệ thống thực phẩm bắt đầu trước khi cây, con được nuôi trồng. Giai đoạn “tiền sản xuất” bao gồm phương pháp bảo tồn các nguồn gen và sử dụng chúng để nâng cao chất lượng, năng suất của cây trồng và vật nuôi. Giai đoạn này cũng bao gồm những đổi mới trong vật tư nông nghiệp đầu vào, ví dụ phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Những đổi mới này có thể giúp tăng năng suất và thu nhập, đồng thờigiúp tránh chuyển đổi thêm đất vào mục đích nông nghiệp. Ngoài ra, giai đoạn này cũng bao gồm cả những tiến bộ trong thực hành nông nghiệp để đảm bảo rằng, nông dân có thể tiếp tục đứng vững khi đối mặt với biến đổi khí hậu và các điều kiện thời tiết ngày càng khó lường khác.

b. GIAI ĐOẠN “SẢN XUẤT”

Trong giai đoạn “sản xuất”, người nông dân phải đối mặt với vô vàn thách thức trong trồng trọt và thu hoạch, bao gồm sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt và diễn biến khó lường, quản lý tổn thất lương thực và biến động thị trường. Theo dự báo hiện nay, sẽ cần thêm 60% lượng lương thực vào năm 2050, tuy nhiên các nỗ lực sản xuất hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này và nạn đói trên toàn cầu đang tăng trở lại sau nhiều thập kỷ đã có tiến triển. Đó là còn chưa kể đế hai tỷ người đang bị suy dinh dưỡng hiện nay.

c. GIAI ĐOẠN “CHUỖI CUNG ỨNG”

Giai đoạn “chuỗi cung ứng” đề cập đến quá trình cung ứng thực phẩm từ nông dân đến người tiêu dùng. Thực phẩm có thể được chế biến, đóng gói và bảo quản trước khi mang ra thị trường. Tổn thất sau thu hoạch là một vấn đề đặc biệt quan trọng ở các nước đang phát triển, nơi có cơ sở hạ tầng, mạng lưới năng lượng và hệ thống giao thông thường xuống cấp hoặc thiếu thốn. Ở các nước này, hơn 40% lượng thực phẩm thất thoát xảy ra sau thu hoạch và trong quá trình chế biến.

d. GIAI ĐOẠN "TIÊU DÙNG"

Hệ thống thực phẩm không chỉ bao gồm việc nuôi trồng mà còn cả cách người tiêu dùng nấu, ăn và xử lý thực phẩm thừa. Trong giai đoạn “tiêu dùng” này, mỗi người trong chúng ta đưa ra một loạt các quyết định có ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực và dinh dưỡng, đến sức khỏe cộng đồng, môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Một số quốc gia có thu nhập cao chi chỉ dưới 10% thu nhập để mua thực phẩm trong khi những quốc gia khác, chủ yếu ở châu Phi và châu Á, chi tới hơn 40%. Tương tự như vậy, trong khi một số quốc gia đang phải đối mặt với chứng béo phì thì những quốc gia khác lại phải gánh chịu những tác động của tình trạng thiếu dinh dưỡng.

3. Kết quả của hệ thống thực phẩm bền vững

  • Cung ứng thực phẩm với giá cả hợp lý, đủ dinh dưỡng, an toàn và lành mạnh (thậm chí là phù hợp về mặt văn hóa hoặc tôn giáo) là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho một hệ thống thực phẩm bền vững;
  • Một hệ thống thực phẩm bền vững cũng cần phải hướng tới mục tiêu giảm lãng phí và tổn thất, đồng thời giảm thiểu các tác động đến với môi trường và xã hội trong hiện tại và tương lai;
  • Từ đó chúng tôi thấy rằng, sự cân bằng và đánh đổi giữa tính toàn vẹn của hệ sinh thái nông nghiệp và phúc lợi xã hội là cốt lõi của hệ thống thực phẩm bền vững;
  • Về định nghĩa, tính bền vững của hệ thống thực phẩm được xác định được thể hiện theo từng địa phương (có thể là vào những thời điểm nhất định). Không tồn tại một khái niệm hệ thống thực phẩm bền vững quy mô toàn cầu.

III. Vai trò của Rikolto trong hệ thống thực phẩm

Hoạt động của Rikolto sẽ không bao gồm toàn bộ hệ thống thực phẩm. Chúng tôi sẽ chỉ kết nối nông dân và người tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ canh tác bền vững, hội nhập thị trường cho nông dân cũng như người tiêu dùng và tạo ra một môi trường thuận lợi thúc đẩy những hoạt động này.

Rikolto tin rằng các nông hộ là một phần quan trọng của giải pháp. Chúng tôi nâng cao năng lực cho các nhóm nông dân để trở thành đối tác kinh doanh đáng tin cậy và có thể áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững, dễ áp dụng qua thời gian. Chúng tôi hỗ trợ người nông dân để sản phẩm của họ đạt các tiêu chuẩn chất lượng. Chúng tôi kết nối họ với những tổ chức/cá nhân tiên tiến trong ngành thực phẩm để khám phá những cách thức kinh doanh mới.

Rikolto bắc những nhịp cầu của niềm tin và kinh doanh kết nối ngành công nghiệp thực phẩm, cơ quan chính phủ, cơ quan nghiên cứu, ngân hàng với các tổ chức nông dân xoay quanh câu hỏi trọng tâm: "Thực phẩm nào cho tương lai?". Chúng tôi trồng và thu hoạch các giải pháp mới, làm cho hệ thống thực phẩm trở nên minh bạch hơn, mang đến cho người tiêu dùng một sự lựa chọn bền vững.

IV. Vai trò của Rikolto trong hệ thống thực phẩm tại Việt Nam

  1. Chúng tôi đẩy mạnh quá trình đảm bảo chất lượng sản phẩm, quá trình tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững và an toàn thực phẩm, đồng thời giúp người nông dân đạt được chứng nhận với chi phí hợp lý. Chúng tôi hỗ trợ các tổ chức nông dân và thành viên của họ áp dụng thực hành canh tác bền vững để sản xuất ra thực phẩm an toàn và lành mạnh, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra những tác động tích cực liên quan đến biến đổi khí hậu.

    Trong ngành hàng rau, chúng tôi hỗ trợ nông dân thực hành bộ tiêu chuẩn GAP cơ bản và VietGAP. Hiện tại, Rikolto đang làm việc với mười tổ chức nông dân ở bốn tỉnh thành (Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Đà Nẵng) nhằm giúp họ nâng cao kỹ thuật sản xuất và kỹ năng bán hàng.

    Trong ngành hàng lúa gạo, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng bộ tiêu chuẩn Lúa gạo bền vững (Sustainable Rice Platform – SRP) ở tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang. Đến vụ hè thu 2020, Rikolto đã hỗ trợ trên 500 nông dân với 1.200 ha lúa gạo sản xuất theo hướng bền vững sau hai năm triển khai chương trình.

    Ngoài ra, cùng với nông dân, hợp tác xã và chính quyền địa phương, chúng tôi thiết lập Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng sản phẩm (Participatory Guarantee Systems - PGS), một cơ chế đảm bảo chất lượng đáng tin cậy với mức chi phí hợp lý để giám sát và chứng nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất an toàn trong cả ngành hàng rau và gạo.

  2. Chúng tôi hỗ trợ các tổ chức nông dân trở thành tổ chức kinh doanh và giúp họ xây dựng quan hệ đối tác công bằng với những tác nhân tư nhân muốn tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ nông dân. Chúng tôi cố gắng tạo ra các mô hình kinh doanh có sự tham gia của nông hộ nhỏ, đồng thời hỗ trợ cả công ty và tổ chức nông dân thực hiện các bước hướng tới mục tiêu này.

  3. Chúng tôi hỗ trợ xây dựng Chiến lược thành phố thực phẩm thông minh cho Đà Nẵng nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm an toàn, mặt khác giúp nông hộ nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm an toàn. Chúng tôi thúc đẩy mối liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi thực phẩm bằng cách hỗ trợ phát triển cộng đồng học tập giữa những người sản xuất thực phẩm an toàn, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất với cả thị trường hiện đại và truyền thống.

Hội thảo "Chuỗi cung ứng và phân phối thực phẩm nông nghiệp an toàn, bổ dưỡng và bền vững trong hệ thống thực phẩm đô thị"

04/07/2021 11:15

Ngày 02/07/2021, Rikolto tại Việt Nam đã phối hợp với WISE tổ chức Hội thảo trực tuyến về ‘Chuỗi cung ứng và phân phối thực phẩm nông nghiệp an toàn, bổ dưỡng và bền vững trong hệ thống thực phẩm đô thị”. Hội thảo thu hút hơn 200 người đăng ký và hơn 100 người được mời tham dự, bao gồm đại diện các nhà sản xuất, nhà phân phối, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan chức năng và các tổ chức đang hoạt động trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các bên liên quan trong chuỗi cung ứng thực phẩm đô thị cùng chia sẻ về những cơ hội, thách thức và đưa ra các giải pháp đối với hệ thống thực phẩm đô thị (HTTPĐT).

Diễn giả của Hội thảo gồm có bà Nguyễn Thị Tân Lộc - Trưởng bộ môn Kinh tế Thị trường, Viện Nghiên cứu Rau Củ Quả (FAVRI), bà Từ Tuyết Nhung - Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối (VPĐP) Chương trình Nông thôn mới (NTM) thành phố Hà Nội, ông Trần Mạnh Chiến - Chủ chuỗi Cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, bà Lê Thị Thu Hường - Cố vấn Chuỗi giá trị Bao trùm Dự án CAFÉ-REDD, tổ chức SNV Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu – Sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sáng kiến tạo tác động (MEVI).

Thông qua Hội thảo, Rikolto tại Việt Nam hiểu rõ hơn về thực trạng HTTPĐT tại Việt Nam, từ đó xây dựng chương trình hành động nhằm góp phần cải thiện HTTPĐT hướng tới một hệ thống thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và bền vững. Ngoài ra, dựa trên nhu cầu được xác định, Rikolto sẽ phát triển chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và phân phồi thực phẩm.

Thực trạng hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và bền vững tại Hà Nội

Mở đầu Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tân Lộc – FAVRI đã chia sẻ những điểm chính về thực trạng hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn tại khu đô thị, các kênh phân phối hiện đại gắn liền với các yếu tố phát triển bền vững.

Theo bà Lộc, người tiêu dùng tại Hà Nội có yêu cầu khá cao về chất lượng và hình thức của rau an toàn. Rau bán tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong khi rau bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng tiện ích, siêu thị có đầy đủ nguồn gốc, giấy chứng nhận, giá cả niêm yết nên thu hút được số lượng người mua ngày càng tăng. Tuy nhiên, lượng thực phẩm được phân phối qua kênh chính thống này mới chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Đứng trước cơ hội về nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng và xu hướng sử dụng các ứng dụng CNTT như sàn thương mại điện tử, thách thức đối với hệ thống thực phẩm bền vững tại Hà Nội nằm ở bài toán “trồng và bán loại sản phẩm gì” để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thách thức đối với người sản xuất là chọn lựa thông tin (vật tư, công nghệ, sản phẩm đầu ra), tiêu thụ, khả năng thích ứng với các biến động về thời tiết, dịch bệnh, vốn và sự cạnh tranh. Thách thức đối với nhà phân phối là việc xác định vùng sản xuất an toàn, sự ổn định của nguồn hàng và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hệ thống cung ứng thực phẩm theo hướng bền vững cần tính tới các biện pháp bảo vệ môi trường như giảm thiểu khí phác thải và sử dụng túi ni-lông.

Điểm nghẽn trong hệ thống phân phối nông sản sạch bền vững tại Hà Nội

Tại Hội thảo, các khách mời đã thảo luận về xu thế của chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, dinh dưỡng và bền vững, điểm nghẽn trong hệ thống phân phối nông sản sạch bền vững tại Hà Nội, giải pháp để chuyển đổi hệ thống cung ứng thực phẩm hiện tại theo hướng bền vững và vai trò của các nhà phân phối để tối ưu hoá hệ thống phân phối thực phẩm sạch bền vững.

Theo bà Lê Thị Thu Hường – SNV Việt Nam, khác với các nước trong khu vực như Thái Lan, xu thế phát triển của chuỗi cung ứng thực phẩm đô thị ở Việt Nam không chỉ tập trung ở siêu thị mà phát triển đa dạng các kênh phân phối, bao gồm chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng tiện ích, siêu thị, v.v… Tuy nhiên, khó khăn của hệ thống thực phẩm ở Việt Nam là ở việc thiếu thông tin thị trường, hoạt động sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng về tính minh bạch, hiện đại, thông tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng bị hạn chế và định hướng bởi các nhà phân phối.

Thách thức lớn nhất đối với nhà phân phối thực phẩm sạch, theo ông Trần Mạnh Chiến – Bác Tôm là lòng tin của người tiêu dùng. Các nhà phân phối hiện đại cần tận dụng các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội để tăng cường tiếp cận người tiêu dùng, song cần tính tới “con dao hai lưỡi” của loại hình truyền thông này. Ngoài ra, hệ thống phân phối nông sản sạch tại Hà Nội cũng cần quan tâm tới chứng nhận an toàn, đáng tin cậy cho các cơ sở và đơn vị sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Thu - MEVI đưa ra sáng kiến xây dựng cộng đồng các nhà phân phối có trách nhiệm. Cộng đồng này sẽ không chỉ giúp các nhà phân phối kiểm soát chất lượng và độ ổn định của đầu vào mà còn tạo ra hệ sinh thái công bằng cho người sản xuất thông qua việc truyền thông về sản phẩm tới người tiêu dùng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chí - VPĐP Chương trình NTM TP. Hà Nội nhận định vai trò của nhà phân phối không chỉ ở khâu bán hàng mà còn cần truyền tải giá trị sản xuất đến với người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm, đồng thời tạo ra giá trị trở lại đối với nhà sản xuất. Ông Chí cho biết vấn đề tồn tại lớn nhất trong hệ thống phân phối đô thị tại Hà Nội là thiếu tác nhân đóng vai trò truyền tải thông tin từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, và sự kết nối lỏng lẻo giữa các nhà phân phối nhỏ lẻ.

Khó khăn, thách thức và giải pháp đối với nhà phân phối thực phẩm nông nghiệp đô thị

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đã tham gia các phiên thảo luận nhóm để chia sẻ ý kiến về những khó khăn, thách thức trong việc phân phối thực phẩm nông nghiệp an toàn, bổ dưỡng và bền vững tại đô thị và đề xuất giải pháp cải thiện/ tối ưu hệ thống phân phối thực phẩm.

Các khó khăn và thách thức trong việc phân phối thực phẩm nông sản chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất là chuỗi liên kết giữa người sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng còn lỏng lẻo, vẫn chưa được xây dựng dựa trên chuỗi giá trị. Các nhóm nông dân nhỏ lẻ khó kết nối với người thu mua ổn định, trong khi các nhà phân phối khó tìm được nguồn hàng cung cấp chất lượng ổn định, cam kết lâu dài và có đầu tư xây dựng thương hiệu. Người sản xuất nhỏ lẻ cũng thiếu các điều kiện và kiến thức để tiết giảm chi phí sản xuất, xử lý hao hụt và bảo quản nông sản. Thứ hai là thiếu hệ thống thông tin tập trung, minh bạch và cơ chế chia sẻ thông tin từ người sản xuất, nhà phân phối tới người tiêu dùng như thông tin về sản phẩm, nguồn gốc, chất lượng, thông tin về người sản xuất và nhà phân phối có chứng chỉ, thông tin truyền thông, giáo dục về sản phẩm an toàn, bổ dưỡng và bền vững đối với người tiêu dùng. Đối với cấp quản lý Nhà nước, các số liệu thực tế như số hộ nông dân sản xuất thực phẩm an toàn, số người tiêu dùng được tiếp cận và dùng sản phẩm an toàn vẫn còn rất hạn chế. Việc quản lý các chợ đầu mối và chợ dân sinh còn lỏng lẻo, chưa truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đại biểu tham dự hội thảo cùng thống nhất giải pháp tăng cường liên kết, hình thành hệ sinh thái thực phẩm an toàn đô thị hướng tới xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững. Các thành viên trong hệ sinh thái có thể kết nối, hỗ trợ và giám sát lẫn nhau, tăng cường truy xuất nguồn gốc và giảm thiểu chi phí trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên - Trưởng ban Kết nối Doanh nghiệp (AFT) chia sẻ điều quan trọng nhất để xây dựng hệ thống phân phối hiện đại đô thị chính là xây dựng niềm tin của người tiêu thụ dựa trên cơ sở minh bạch về thông tin. Hệ thống phân phối được xây dựng dựa trên lộ trình, bước đi, chiến lược tổng thể chung, song song với xây dựng bộ công cụ tiêu chuẩn.

Các ý kiến khác đề cập đến sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước (Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), các Hiệp hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các Hiệp hội ngành hàng, v.v….) và cơ quan truyền thông để đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Đồng hành cùng nhau, cơ quan Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, nông dân sẽ phát huy vai trò của mình để thúc đẩy hệ thống thực phẩm bền vững trong tương lai. Mặt khác, các cơ quan Nhà nước cũng cần có chiến lược và chính sách hỗ trợ toàn diện và bình đẳng đối với cả các nhà phân phối tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các tiểu thương, nhà phân phối nhỏ lẻ tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh.

Tiếp theo đây Rikolto tại Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi các hội thảo chuyên sâu liên quan tới sản xuất, phân phối, logistics và tiêu dùng bền vững.

Để kịp thời cập nhật về các Hội thảo trên, xin vui lòng truy cập Fanpage của Rikolto tại Việt Nam.