Xây dựng giá trị sản phẩm – từ tiêu chuẩn chất lượng đến lòng tin người tiêu dùng

Xây dựng giá trị sản phẩm – từ tiêu chuẩn chất lượng đến lòng tin người tiêu dùng

02/09/2021

Để xây dựng hệ thống thực phẩm an toàn và bền vững, con người là yếu tố then chốt nhất. Với sự vào cuộc và nhận thức của mọi nhân tố trong chuỗi cung ứng nông nghiệp như nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội và tổ chức xã hội, v.v... giá trị sản phẩm sẽ được đảm bảo để đáp ứng lòng tin của người tiêu dùng và nỗ lực cam kết của nhà sản xuất. Làm sao để đảm bảo chất lượng và giá trị sản phẩm được vẹn nguyên từ trang trại đến bàn ăn - đó là chủ đề mà Hội thảo trực tuyến “Xây dựng giá trị sản phẩm – từ tiêu chuẩn chất lượng đến lòng tin người tiêu dùng” đã mang tới.

Ngày 31/08/2021, Rikolto phối hợp cùng WISE tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xây dựng Giá trị sản phẩm – Từ tiêu chuẩn chất lượng đến lòng tin người tiêu dùng”. Hội thảo tập trung thảo luận thực trạng về xây dựng và bảo đảm giá trị và chất lượng sản phẩm và đưa ra các giải pháp nâng cao công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Tham dự Hội thảo có đại diện hơn 100 các nhà sản xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị đánh giá chất lượng và người tiêu dùng - các tác nhân quan trọng trong mắt xích chuỗi cung ứng thực phẩm đô thị.

Hội thảo đã cung cấp cho các đại biểu tham dự những thông tin bổ ích liên quan tới thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng và quản lý sản xuất/ tiêu dùng. Các nhà sản xuất,cơ quan Nhà nước và đơn vị quản lý chất lượng đã có dịp trao đổi và cùng tìm hiểu những khó khăn và thách thức trong sản xuất và tiếp cận người tiêu dùng của các doanh nghiệp, đề xuất định hướng và quản lý chất lượng. Các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề chất lượng (trên đồng ruộng và trên thị trường tiêu dùng) và đưa ra các giải pháp cải thiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm với sự vào cuộc của tất cả các bên.

Mở đầu Hội thảo, bà Hoàng Thị Lụa – Điều phối Chương trình của Rikolto tại Việt Nam đã giới thiệu về chương trình Thành phố Thực phẩm Thông minh. Mục tiêu của chương trình là nhằm xây dựng hệ thống thực phẩm an toàn, bền vững và lành mạnh cho các tầng lớp người dân nơi đô thị, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu và nâng cao vai trò của người sản xuất nhỏ.

Tiếp theo chương trình, chuyên gia Nguyễn Thị Minh Lý, nguyên Phó Giám đốc Quacert đã chia sẻ về giá trị và chất lượng sản phẩm, cách xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng. Theo bà Lý, với xu thế quản lý 4.0 hiện nay, quản lý chất lượng thực phẩm là quản lý theo chuỗi giá trị, từ trang trại tới bàn ăn. Quản lý thị trường được thực hiện bằng hàng rào kỹ thuật (bao gồm tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, thủ tục đánh giá chất lượng), cạnh tranh sản phẩm chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng. Phát triển chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Quản lý xã hội chuyển từ quản lý bằng công cụ pháp lý sang công cụ kinh tế, chuyển từ thanh tra sang hậu kiểm, mà ở đó nhà sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn và chất lượng sản phẩm của mình. Như vậy, các nguy cơ về an toàn và chất lượng thực phẩm đều liên quan tới nhà cung ứng và sản xuất. Nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Hội thảo cũng là dịp để các đơn vị sản xuất chia sẻ cách tạo dựng giá trị sản phẩm và những khó khăn, thách thức trong quá trình đó.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty CP sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà, khó khăn lớn nhất nằm ở tư duy của người lãnh đạo. Làm sao để người lãnh đạo có thể truyền cảm hứng đến các thành viên, giúp họ thay đổi cách nghĩ, cách làm và nhân rộng mô hình đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì. Ngoài ra, khâu kết nối thị trường ổn định cần làm ngay từ ban đầu để người dân không bỏ cuộc trong quá trình sản xuất, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.

Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp 19/05 chia sẻ cách tạo ra giá trị sản phẩm thông qua áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và canh tác, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân. Làm sao tìm được phương thức vận chuyển đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng đang là bài toán mà HTX của ông hướng đến.

Ông Ngô Văn Nghị, Trưởng ban Liên nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Xuân/ Giám đốc HTX Dịch vụ thôn Trung Nà cho rằng để xây dựng và đảm bảo lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp, giám sát và minh bạch hóa quá trình sản xuất, bao gồm khâu đóng gói bao bì, và chú ý đến hoạt động truyền thông sản phẩm.

Ngoài ra, theo các diễn giả, khâu hậu kiểm cũng rất quan trọng để xây dựng hồ sơ sản phẩm.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Bùi Thế Hưng – Chuyên viên Vụ Tổng hợp – Kế hoạch – Tài chính, Tổng Cục Quản lý thị trường đánh giá nguy cơ về truy xuất nguồn gốc và các vi phạm trong sản xuất nông nghiệp an toàn tập trung ở các chợ đầu mối và chợ dân sinh, trong khi đây lại là nguồn cung ứng thực phẩm chủ yếu cho đô thị. Các cơ quan quản lý cần thực thi đồng bộ, gồm: (1) xây dựng quy định về truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là quy định về tem nhãn đối với sản phẩm nông sản, (2) có chính sách hỗ trợ người dân về vốn, đầu tư, công nghệ để giảm giá thành sản phẩm và nhân rộng hợp tác để giúp các đơn vị sản xuất nhỏ, lẻ tiếp cận các công nghệ tiên tiến, (3) tuyên truyền, truyền thông tổng thể và (4) ưu tiên khâu giám sát và hậu kiểm. Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết các quyền lợi của người tiêu dùng chỉ được thực thi khi có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, dựa trên khiếu nại của người tiêu dùng. Trong tương lai, Hội sẽ tăng cường kết nối với các doanh nghiệp sản xuất có uy tín, chất lượng để giới thiệu với người tiêu dùng.

Rõ ràng, nhận thức của các nhân tố tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt là người tiêu dùng là yếu tố quan trọng để đảm bảo xây dựng giá trị cho sản phẩm. Họ cần là những người tiêu dùng thông minh, có kiến thức và hiểu biết để tự đánh giá chất lượng và giá trị sản phẩm dựa trên căn cứ cá nhân trước khi quyết định lựa chọn sản phẩm. Để làm được việc đó, theo các diễn giả, cần huy động sự vào cuộc của các Hiệp hội, tổ chức xã hội các cấp để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và trang bị thêm các kiến thức cần thiết cho họ.

Những ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ được Rikolto tổng hợp và nghiên cứu trong quá trình xây dựng các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy chuỗi cung ứng thực phẩm đô thị an toàn – dinh dưỡng và bền vững, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực và vai trò của các bên liên quan trong cải thiện hệ thống sản xuất – quản lý – phân phối - tiêu dùng thực phẩm đô thị.

Tìm hiểu thêm về chương trình Thành phố Thực phẩm Thông minh của Rikolto

Chương trình Hệ thống Thực phẩm Thông minh