Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cùng nông hộ nhỏ tại Việt Nam – 5 năm 1 chặng đường

Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cùng nông hộ nhỏ tại Việt Nam – 5 năm 1 chặng đường

16/12/2021

Chương trình “Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cùng nông hộ nhỏ tại Việt Nam” giai đoạn 2017-2021 do Rikolto phối hợp với các đối tác triển khai tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nam, sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2021. Để đánh giá và đúc rút bài học kinh nghiệm, từ đó xây dựng định hướng duy trì và mở rộng các kết quả đạt được, Rikolto đã tổ chức buổi họp tổng kết chương trình vào ngày 17 tháng 12 năm 2021 tại tỉnh Tuyên Quang với sự phối hợp của Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang.

Tham dự buổi họp có đại diện các Chi cục TT&BVTV của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Nam, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc; đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, đại diện các Hợp tác xã (HTX) và nông dân tham gia chương trình cùng các lãnh đạo và cán bộ chương trình của Rikolto. Tại buổi họp, các đối tác tại địa phương đã chia sẻ về các hoạt động, kết quả, bài học kinh nghiệm, định hướng duy trì và mở rộng chương trình tại địa phương của mình.

Chương trình “Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cùng nông hộ nhỏ tại Việt Nam” của Rikolto hướng tới mục tiêu nâng cao kỹ thuật, kỹ năng tổ chức kinh doanh cho các tổ chức nông dân, thúc đẩy liên kết thị trường và mô hình kinh doanh bao trùm, bền vững. Các hợp phần chính của chương trình bao gồm: (1) xây dựng bằng chứng về lợi ích của mô hình PGS (Hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng) trong việc thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững và toàn diện đối với rau an toàn; (2) thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho chuỗi giá trị rau an toàn, và chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng công nhận việc áp dụng PGS như một công cụ đảm bảo chất lượng hiệu quả và đáng tin cậy; và (3) hỗ trợ Hà Nội và Đà Nẵng trở thành thành phố thực phẩm thông minh – nơi nông hộ nhỏ được tham gia vào chuỗi giá trị rau an toàn và người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng với thực phẩm an toàn.

PGS – điểm nhấn trong sản xuất rau an toàn

Kể từ năm 2017 đến nay, Rikolto đã phối hợp với các Chi cục TT&&BVTV ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Nam và Vĩnh Phúc hỗ trợ 24 HTX sản xuất rau an toàn. Tham gia chương trình, các HTX được Rikolto hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất rau an toàn theo mô hình PGS (Hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng). Nông dân được học cách tổ chức, vận hành PGS trong sản xuất rau an toàn; nắm bắt được các quy định về PGS để ứng dụng vào sản xuất, biết cách sơ chế và đóng gói từng loại rau củ quả nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm, biết cách ghi chép nhật ký đồng ruộng để đảm bảo truy xuất thông tin sản xuất rau và được tập huấn về bền vững trong sản xuất rau an toàn. Các cán bộ của HTX được tập huấn nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, kinh doanh, tìm kiếm khách hàng và quản lý chất lượng. Các HTX thường xuyên lấy mẫu rau để kiểm tra yêu cầu về an toàn thực phẩm, xác định vấn đề và sửa lỗi trong quá trình sản xuất. Các HTX cũng được hỗ trợ quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Rikolto cũng tổ chức các buổi tham quan mô hình quản lý sản xuất rau theo mô hình PGS để các HTX cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Ngoài ra, Rikolto cũng hỗ trợ một số trang thiết bị, cung cấp giống, phân bón cho các HTX. Để xây dựng hệ thống PGS, Rikolto cũng hỗ trợ các địa phương xây dựng và ban hành hướng dẫn thực hiện PGS đối với rau an toàn trên địa bàn.

Những con số ấn tượng

Sau 5 năm triển khai chương trình, diện tích áp dụng mô hình PGS đã vượt ngoài mong đợi, tăng gấp 3 lần (228ha) so với dự kiến ban đầu (70ha). Số nông dân hưởng lợi trực tiếp từ chương trình là 1,258 người. Khối lượng rau an toàn sản xuất ra đạt 14.000 tấn, tăng hơn 50% so với dự kiến (8.500 tấn). Khối lượng rau tiêu thụ tập thể đạt 6.000 tấn, lớn hơn 3/2 lần so với dự kiến (4.000 tấn). Kết quả các mẫu rau quả của các HTX tham gia kiểm định từ năm 2017 đến nay cho thấy 100% HTX đều đạt chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm, mang lại giá trị sản phẩm cho 200.000 người tiêu dùng. 4 tỉnh thành, bao gồm Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Đà Nẵng đã ban hành hướng dẫn thực hiện PGS đối với rau an toàn tại địa phương. Đây là bằng chứng cho thấy PGS được công nhận và áp dụng như một công cụ đảm bảo chất lượng hiệu quả và đáng tin cậy tại các địa phương, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng PGS vào sản xuất.

Việc áp dụng PGS tại các vùng sản xuất đã giúp tăng cường kiểm soát chất lượng rau an toàn, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của nông dân trong việc sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đặc biệt là hình thành mối liên kết nhóm giữa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ để tăng khả năng cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm. Một vài nhóm nông dân đã tách ra hình thành HTX hoặc tự tìm được cho mình một kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, đem lại lợi ích như các nhóm nông dân ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm; xã Tiền Lệ, huyện Hoài Đức.

Nhân rộng mô hình thành công

Thành công điển hình trong việc phát triển và mở rộng mô hình phải kể đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kinh doanh hàng hóa nông sản An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một trong ba HTX đầu tiên được Rikolto hỗ trợ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Từ sản lượng trung bình 4-5 tấn/ ngày năm 2018, đến nay HTX đã tăng lên 10-20 tấn/ ngày. Các thành viên Ban Quản lý của HTX được trang bị kiến thức tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường, đã quản lý tốt hơn các hoạt động của HTX, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia, phát triển đa dạng sản phẩm và phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng như các bếp ăn tập thể, công ty chế biến, siêu thị… Do lượng khách hàng tăng, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu sang các vùng lân cận và tỉnh Tuyên Quang với gần 300 hộ tham gia, đạt diện tích khoảng 100ha/ năm, tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Na Hang, Yên Sơn và Chiêm Hóa… Đây là những nơi tập trung người dân tộc thiểu số, từ đó HTX đã giúp người dân nâng cao thu nhập và phát triển sinh kế bền vững, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ.

Có thể nói, đây là những kết quả tích cực cho thấy những nỗ lực và đóng góp của Rikolto trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cùng nông hộ nhỏ tại Việt Nam. Để có được những thành quả trên phải kể đến sự đồng thuận và tham gia tích cực của các đối tác địa phương, nông dân và các HTX; sự phối hợp, liên kết và tham vấn chặt chẽ giữa Rikolto và các đối tác, đặc biệt là Chi cục TT&BVTV các địa phương đã xây dựng một cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch, phát triển các hoạt động dựa trên nhu cầu thực tế của nông dân và các HTX, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Tuy nhiên, chương trình vẫn còn gặp một số bất cập như năng lực của một số HTX còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai áp dụng PGS ở một số nơi chưa đồng bộ, khả năng kết nối thị trường của các HTX còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi chưa gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị bền vững, và chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của giới trẻ.

Vậy làm thế nào để chương trình có thể có tác động lớn hơn? Trong giai đoạn tiếp theo 2022-2026, Rikolto sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác thúc đẩy hệ sinh thái thực phẩm lành mạnh, bền vững và bổ dưỡng đóng vai trò then chốt. Chương trình được xây dựng dựa trên ba sáng kiến: (1) Phát triển thị trường thực phẩm - hỗ trợ các đối tác khuyến khích tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, bền vững và bổ dưỡng thông qua các hành động chung và kinh doanh bao trùm, toàn diện mà ở đó đối tượng tham gia không chỉ là các HTX mà cả ở các tổ hợp tác, các doanh nghiệp, (2) Thực phẩm học đường lành mạnh - hỗ trợ các trường học tiếp cận với nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, dinh dưỡng cho học sinh, và (3) Khởi sự doanh nghiệp thực phẩm - đồng hành cùng các doanh nghiệp trẻ có tham vọng thông qua chương trình ươm tạo doanh nghiệp.

Bà Hoàng My Lan - Giám đốc Vùng tổ chức Rikolto, cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng thành phố thực phẩm thông minh, trong đó sẽ hướng tới không chỉ nhóm người sản xuất mà cả nhóm người tiêu dùng tại trường học, các chợ truyền thống. Và chúng tôi rất mong muốn phối hợp với các hợp tác xã kinh doanh hoặc doanh nghiệp là những đầu tàu để liên kết, kết nối chuỗi bao trùm với ngành sản xuất để có tác động sâu rộng hơn’, bà Lan nói.

Ngoài ra Rikolto cũng sẽ đẩy mạnh làm việc với các bên đa phương để cùng nhau đưa ra giải pháp đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên về sản xuất, chế biến cũng như quản lý về mặt nhà nước để đảm bảo người dân sản xuất an toàn, đảm bảo bền vững và có giá cả phải chăng. Từ đó, tất cả người tiêu dùng đều tiếp cận được với những sản phẩm này.