Theo báo cáo của UNICEF năm 2021, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, với 7% ở trẻ dưới 5 tuổi và 19% ở trẻ 5-19 tuổi. Thừa cân ở trẻ em không chỉ làm tăng nguy cơ bị các tác động tâm lý như tự ti, trầm cảm, và mắc các bệnh không lây nhiễm, mà còn gây ra gánh nặng lớn về chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai cũng như thiệt hại về kinh tế. Nguyên nhân chính của thừa cân ở trẻ vị thành niên Việt Nam là do chế độ ăn uống không lành mạnh, như ăn quá mức thực phẩm chế biến sẵn (chứa nhiều đường, muối, và chất béo), nước ngọt và thức ăn nhanh; và ăn không đủ trái cây, rau quả (chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất).
Tham gia đa bên trong truyền thông thực phẩm học đường
Tham gia đa bên trong truyền thông thực phẩm học đường
Năm 2021, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (Center for Development of Community Initiative and Environment - viết tắt là C&E) khảo sát trực tuyến đối với 1.039 học sinh, 227 giáo viên và 331 phụ huynh ở 13 trường THCS tại Hà Nội về thực trạng thực phẩm, dinh dưỡng và nhận thức, kiến thức, hành vi của học sinh, phụ huynh, cán bộ nhân viên các trường trung học cơ sở ở Hà Nội . Kết quả cho thấy 74% học sinh được lấy ý kiến cho rằng học sinh cần được lấy ý kiến trong quá trình ra quyết định về việc ăn uống và thực phẩm tại nhà trường, 60% học sinh mong muốn tìm hiểu về thực phẩm thông qua các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm thực tế.
Dự án “Thực phẩm bổ dưỡng học đường”
Tháng 10 năm 2022, dự án “Thực phẩm bổ dưỡng học đường” do Rikolto phối hợp với Trung tâm C&E thực hiện chính thức khởi động. Dự án nhằm mục tiêu chia sẻ và nâng cao kiến thức về dinh dưỡng học đường cho phụ huynh, giáo viên và học sinh ở độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi. Bước đầu, dự án được triển khai thí điểm tại trường THCS Nam Trung Yên và trường THCS Yên Hòa, thành phố Hà Nội.
Các chuỗi hoạt động của dự án tập trung vào việc truyền thông cho học sinh, phụ huynh và giáo viên thông qua các hoạt động giao lưu, chia sẻ kiến thức và thực hành về thực phẩm bổ dưỡng, an toàn và lành mạnh, để từ đó giúp các em trang bị đầy đủ các kiến thức về dinh dưỡng và thực phẩm, tự xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, và tự tin tham gia vào quá trình ra quyết định về thực phẩm tại trường học; đồng thời giúp phụ huynh, giáo viên và các cán bộ nhà trường phát triển kỹ năng truyền thông, để từ đó chia sẻ và hướng dẫn các em về dinh dưỡng và thực phẩm lành mạnh một cách hiệu quả nhất.
Ra mắt Ban Điều phối và Nhóm nòng cốt
Đầu tháng 12 năm 2022, Ban Điều phối và nhóm nòng cốt của dự án được thành lập. Do vấn đề thực phẩm có liên quan đến vai trò của nhiều bên như trường học, phụ huynh, học sinh, các đơn vị cung cấp và chế biến thực phẩm nên việc thành lập Ban Điều phối và nhóm nòng cốt sẽ giúp các bên cùng tham gia một cách hiệu quả vào một quy trình chung, để từ đó nhanh chóng nắm bắt được các thông tin và kịp thời đưa ra những quyết định phù hợp trong vấn đề thực phẩm học đường. Theo dự kiến, bước đầu, Ban Điều phối giữ vai trò tư vấn xây dựng kế hoạch hành động, điều hành, điều phối và hỗ trợ các cá nhân và tập thể triển khai các hoạt động. Dựa trên kế hoạch khung, nhóm nòng cốt - bao gồm phụ huynh, giáo viên, nhân viên nhà bếp và nhân viên y tế sẽ cùng Trung tâm C&E thực hiện chi tiết các hoạt động.
Sau khi thành lập Ban Điều phối, các thành viên của nhóm nòng cốt - bao gồm giáo viên, phụ huynh, nhân viên nhà bếp, cùng với đại diện Ban Giám hiệu của hai trường Nam Trung Yên và Yên Hòa đã được tập huấn về kỹ năng truyền thông, và tìm hiểu về bữa ăn học đường với sự cố vấn của Dự án, PGS.TS. BS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng. Ngoài ra, các thành viên được thực hành các bài tập tình huống và trình bày ý tưởng của mình với sự hướng dẫn và góp ý của chuyên gia tư vấn nhằm hoàn thiện kế hoạch.
Trước đó, đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và học sinh của hai trường Nam Trung Yên và Yên Hòa cũng đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Thực phẩm với sức khỏe của trẻ em lứa tuổi THCS với cố vấn dự án, Bùi Thị Nhung.
Dự án “Thực phẩm bổ dưỡng học đường” do Trung tâm C&E phối hợp với trường THCS Yên Hòa và trường THCS Nam Trung Yên thực hiện nhằm hướng tới việc tổ chức các bữa ăn an toàn, lành mạnh và bổ dưỡng cho học sinh. Dự án có sự tham gia trực tiếp đa bên của học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ phụ trách bếp ăn, cán bộ y tế và các công ty cung cấp thực phẩm tại trường học. Mục tiêu của Dự án là nhằm xây dựng môi trường thực phẩm học đường, đảm bảo chế độ thực phẩm an toàn, lành mạnh và bổ dưỡng cho học sinh.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, Rikolto sẽ phối hợp với Trung tâm C&E và các bên liên quan để tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về thực phẩm và dinh dưỡng học đường, như xem xét và cải thiện thực đơn hiện có cho học sinh, thành lập các câu lạc bộ thực phẩm để tuyên truyền và chia sẻ các thông tin cho học sinh về thực phẩm an toàn, lành mạnh và bổ dưỡng, tổ chức các buổi tham quan, trải nghiệm thực tế tại các đơn vị cung cấp thực phẩm để học sinh và giáo viên cùng tìm hiểu về thực phẩm an toàn, từ đó áp dụng vào đời sống thực tế hàng ngày.