Sản xuất rau an toàn: giấc mơ sinh lời của Nghĩa!

Sản xuất rau an toàn: giấc mơ sinh lời của Nghĩa!

12/08/2021

Nguyễn Văn Nghĩa sinh ra tại Phú Thọ, một tỉnh trung du miền núi cách thủ đô Hà Nội 90 km về phía Tây Bắc. Anh Nghĩa đã được chính quyền địa phương ghi nhận vì những đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh trong nhiều năm. Thành công của anh không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của niềm đam mê và sự bền bỉ. Anh Nghĩa đã làm việc chăm chỉ để xây dựng một sự nghiệp đầy cảm hứng, tăng khả năng tiếp cận với thực phẩm an toàn tại quê hương của mình và trở thành một tấm gương cho các bạn trẻ khác.

Ở Việt Nam ngày càng ít người trẻ muốn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng anh Nghĩa lạị là trường hợp đặc biệt. Bất chấp sự phản đối gay gắt của bố mẹ, anh đã chọn theo học ngành công nghệ sinh học, và sau một thời gian làm việc tại một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, anh quyết định chứng tỏ bản thân. Nhận thấy cơ hội kinh doanh trên thị trường rau, năm 2015, anh Nghĩa quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tứ Xã.

Tôi rất vui khi được phát triển sự nghiệp tại nơi tôi sinh ra, và góp phần cải thiện sinh kế của người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ. Tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ có thể có một tương lai tốt đẹp hơn ở ngay chính quê hương của họ, giống như tôi!

Nguyễn Văn Nghĩa Chủ một doanh nghiệp trẻ Việt Nam

Khi HTX bắt đầu hoạt động, anh Nghĩa đã phải đối mặt với hai thách thức lớn. Một mặt, nông dân nghi ngờ khả năng lãnh đạo và khả năng tổ chức sản xuất của anh trong hợp tác xã vì tuổi đời còn khá trẻ của anh. Mặt khác, cũng như nhiều tổ chức nông dân khác ở Việt Nam, HTX mới thành lập gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng.

Với quyết tâm cao, anh Nghĩa thường xuyên đi ra Hà Nội để tìm khách hàng tiềm năng, nhưng lượng hàng vẫn quá thấp. Mặc dù phải chịu một năm tài chính thua lỗ, anh Nghĩa vẫn không bỏ cuộc. Sự kiên trì của anh đã được đền đáp. Nhu cầu về rau an toàn sau đó bắt đầu tăng lên, HTX đã bắt đầu có thể thu mua nhiều sản phẩm rau hơn từ các thành viên, mọi người dần dần bị thuyết phục bởi năng lực lãnh đạo của anh Nghĩa.

Tứ Xã – những con số

Tứ Xã – những con số

  • 3,5 ha canh tác
  • 53 thành viên - 14 người dưới 30 tuổi (năm 2021)
  • 10 tấn rau an toàn / tháng (năm 2020)

Hành trình với Rikolto thông qua xây dựng năng lực và kết nối

Đầu năm 2016, anh Nghĩa bắt đầu làm việc với Rikolto. Rikolto đã hỗ trợ anh nâng cao năng lực và triển khai áp dụng PGS (Participatory Guarantee Systems) - một cơ chế đảm bảo chất lượng nông sản an toàn. Tổ chức cũng phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Phú Thọ để kết nối HTX Tứ Xã với những khách hàng mới, đào tạo và hỗ trợ cán bộ HTX về tiếp thị và quảng bá sản phẩm tại một số sự kiện. Kết quả là HTX đã ký được hợp đồng mới với các trường học và nhà hàng ở thành phố Phú Thọ, nguồn cung của HTX trở nên ổn định hơn và sản lượng tăng lên.

Anh Nghĩa cũng tham gia hội thảo “Building Trust” (tạm dịch Xây dựng niềm tin) tại Bỉ. Đây là một sự kiện quốc tế nhằm thảo luận câu hỏi: “Làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng lòng tin giữa các tổ chức nông dân, các tổ chức tư nhân và các tổ chức tài chính?”. Sự kiện do Rikolto tổ chức, và quy tụ những tác nhân trong chuỗi thực phẩm để cùng xây dựng các phương pháp tối ưu nhất nhằm tạo ra sự liên kết.

Đầu năm 2017, HTX Tứ Xã đã ký hợp đồng cung cấp rau cho VinEco, một trong những thành viên của Tập đoàn VinGroup - tập đoàn lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một bước ngoặt lớn của HTX vì rau của họ bắt đầu được bán tại hệ thống siêu thị Vinmart trên cả nước. Được làm việc với một khách hàng lớn như vậy, Nghĩa và nhóm của anh đã áp dụng và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn của VinEco. HTX nhanh chóng cải tiến kỹ thuật chế biến, đóng gói và đảm bảo chất lượng. Đến cuối năm, Tứ Xã được chứng minh là trường hợp sản xuất rau an toàn tốt của tỉnh.

Một ví dụ về khả năng phục hồi khi đối mặt với Covid-19

Nhờ tinh thần tiên phong trong ứng dụng công nghệ, HTX Tứ Xã đã phát triển hoạt động và trở thành một đơn vị không chỉ chống đại dịch Covid 19 mà còn mang lại lợi nhuận. Hàng tấn rau an toàn mỗi ngày được chuyển đến cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước. Tiếp nối thành công của mình, anh Nghĩa còn thành lập công ty thương mại với các sản phẩm khác như thịt và trứng, tạo cơ hội việc làm mới cho các bạn cùng trang lứa.

Năm 2020, anh Nghĩa được Tỉnh đoàn trao tặng giải thưởng về ý tưởng mô hình khởi nghiệp trồng rau an toàn, mô hình kinh doanh của anh lọt vào tốp đầu cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên nông thôn” do Trung ương Đoàn tổ chức.

Vào giữa năm 2021, đợt đại dịch Covid 19 lần thứ tư tấn công Việt Nam. Giãn cách xã hội với những hạn chế nhất định đã được áp dụng. Nhiều đơn vị gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển. HTX và công ty của anh Nghĩa cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, các thành viên đã kiên trì đối mặt với thách thức. Giai đoạn cuối tháng 7 - đầu tháng 8, HTX cung cấp gấp ba lần sản lượng so với trước đây, tương đương 15 tấn rau mỗi ngày!

Góc nhìn hướng tới tương lai

Nghĩa và nhóm của anh đã tìm hiểu tiềm năng của việc sử dụng công nghệ để chế biến rau nhằm tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Họ đang thử làm các loại bột rau củ sấy lạnh, và tìm hiểu cách sấy lạnh một số mặt hàng rau củ khác. Với nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm bột rau sấy của người dân thành phố, anh Nghĩa hi vọng sẽ sớm thương mại hóa các sản phẩm này.

Tương lai của nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào khả năng thu hút lao động trẻ và có trình độ bằng cách khai thác tiềm năng của các phương pháp canh tác hiện đại, công nghệ và các sáng kiến cải tiến. Rikolto muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi thực hiện vai trò của họ, và hỗ trợ họ trở thành những người chủ doanh nghiệp mà hệ thống thực phẩm bền vững đang thiếu. Với sự giúp đỡ của các đối tác và các bên liên quan, Rikolto mong muốn tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho những người trẻ như anh Nghĩa.

Để tìm hiểu thêm về chương trình, vui lòng liên hệ với đồng nghiệp của chúng tôi:

Nguyen Thi Den
Nguyen Thi Den
GF4C Programme Officer
+84 98 98 464 24