Nghiên cứu tình huống: PGS hữu cơ ở Thanh Xuân, Hà Nội – Một ví dụ về tính bền vững

Nghiên cứu tình huống: PGS hữu cơ ở Thanh Xuân, Hà Nội – Một ví dụ về tính bền vững

09/08/2018

Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee System – PGS) là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, giúp bảo đảm chất lượng nông sản và có thể khôi phục lòng tin của người tiêu dùng. Hệ thống đã được triển khai tại 66 quốc gia trên thế giới và đã được áp dụng tại Việt Nam hơn 10 năm qua. Trong khuôn khổ dự án “Tích lũy kinh nghiệm về Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia để nhân rộng và thể chế hóa”, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và Rikolto đã nghiên cứu các hệ thống PGS đang hoạt động ở Việt Nam nhằm đánh giá những điểm mạnh, yếu và đưa ra các khuyến nghị cải thiện hệ thống này trong bối cảnh nước ta. Nghiên cứu tình huống này phân tích những nhân tố đã giúp PGS Thanh Xuân trở thành mô hình PGS thành công nhất Việt Nam và xác định một số đặc điểm nên được nhân rộng trong các mô hình PGS khác để nâng cao tính bền vững.

Bối cảnh

PGS được áp dụng đầu tiên ở Việt Nam tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Sáng kiến được giới thiệu bởi tổ chức phi chính phủ Đan Mạch ADDA vào năm 2008 theo mô hình do IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements) xây dựng. Năm 2009, Bái Thượng đã trở thành nhóm nông dân đầu tiên đạt chứng nhận. Hiện nay, liên nhóm Thanh Xuân có tổng cộng 21 nhóm sản xuất với 121 thành viên. Mỗi nhóm sản xuất bao gồm 3 đến 9 nông dân và hình thành một đơn vị có thể được chứng nhận. Liên nhóm Thanh Xuân là một trong 5 liên nhóm được quản lý bởi Ban điều phối PGS Việt Nam ở miền Bắc.

Sản xuất PGS tuân theo Tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam, phù hợp với Tiêu chuẩn sản xuất và chế biến hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Năm 2013, bộ Tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam chính thức được gia nhập Gia đình Bộ tiêu chuẩn của IFOAM.

Hơn 10 năm vận hành tại Thanh Xuân, diện tích sản xuất rau hữu cơ PGS đã tăng từ 7,7 ha lên hơn 20 ha vào năm 2018. Hiện tại, Thanh Xuân là mô hình PGS bền vững nhất ở Việt Nam dựa trên nền tảng thị trường ổn định, hỗ trợ từ chính quyền, thương hiệu có tiếng và cam kết dài lâu của thành viên nông dân.

Vì sao áp dụng PGS?

Nông dân ở Thanh Xuân có truyền thống sản xuất rau lâu đời. Tuy nhiên, trong quá khứ họ thường sử dụng một lượng lớn hóa chất nông nghiệp, đặc biệt là phân bón và thuốc trừ sâu. Điều này khiến chất lượng đất suy giảm và tác động tiêu cực đến sức khỏe người nông dân. Hầu hết rau được bán ở chợ địa phương ở mức giá thấp và không ổn định. Do diện tích sản xuất nhỏ và nguồn lực tài chính hạn chế, phần lớn nông dân không thể làm chứng nhận bên thứ ba. Ngoài rau, lúa cũng từng là cây trồng chính của nông dân. 2 vụ lúa cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng/năm. Số tiền này chỉ đủ trang trải cho điều kiện sống cơ bản. Do đó, rất nhiều người đã ly hương để tìm việc làm. PGS mang lại cho họ cơ hội sinh kế từ sản xuất rau và giảm tác động tiêu cực từ việc canh tác truyền thống đến môi trường xung quanh và sức khỏe của họ.

Hồi bé, tôi hay trồng rau và bán rau với mẹ. Tôi thích trồng rau lắm. Thời gian trước, tôi sử dụng rất nhiều hóa chất và bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy tôi ngừng trồng rau khá lâu. Năm 2008, chúng tôi được tập huấn về sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS. Hiện giờ, sản lượng của tôi đã ổn định và tôi muốn tiếp tục trồng rau PGS hữu cơ

Bà Thơ thành viên nhóm Bái Thượng

Vận hành PGS ở Thanh Xuân

1. An toàn thực phẩm

Trước khi áp dụng hệ thống chứng nhận PGS, nông dân phải trải qua 3 tháng tập huấn về tiêu chuẩn hữu cơ PGS và các thực hành. Nước và đất được xét nghiệm trong quá trình chứng nhận để đảm bảo an toàn. Quá trình chứng nhận 3 mức độ – kiểm soát nội bộ trong từng nhóm nông dân, kiểm tra chéo giữa các nhóm và thanh tra ngẫu nhiên bởi Ban điều phối – cùng với kiểm tra nhanh dư lượng trong rau, giúp kiểm soát và đảm bảo nông dân tuân thủ bộ tiêu chuẩn hữu cơ PGS.

2. Tạo thu nhập

Thu nhập của nông dân từ việc bán rau PGS dao động từ 2,5-10 triệu đồng/tháng tùy theo quy mô sản xuất và mùa vụ. Con số này cao hơn 12 lần so với thu nhập từ trồng lúa. Hầu hết rau được bán với giá 15.000 đồng/kg, trừ rau gia vị (25.000 đồng/kg). Mức giá này cao hơn giá bán rau không chứng nhận PGS. Do vậy, người nông dân có thu nhập cao và ổn định hơn.

3. Thương hiệu và sự tham gia của người tiêu dùng

Thanh Xuân được nhiều cửa hàng thực phẩm bán lẻ ở Hà Nội và người tiêu dùng địa phương biết đến. Từ năm 2008 đến 2015, hơn 500 đoàn tham quan đã đến thăm cánh đồng rau của Liên nhóm để tìm hiểu về PGS và nông nghiệp hữu cơ.

4. Tiếp cận thị trường

Liên nhóm Thanh Xuân bán ra 30-40 tấn rau hữu cơ mỗi tháng cho người mua ở Hà Nội và tới 70 tấn trong mùa đông. Năm 2018, liên nhóm có khoảng 30 khách quen thuộc khu vực bán lẻ như Bác Tôm, Tâm Đạt, Sói Biển và Ecomart. Liên nhóm cũng đã thành lập hai đơn vị nhằm hỗ trợ công tác marketing sản phẩm: Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp và đầu tư Thanh Xuân và HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân.

5. Tính bền vững

Trong khi nhận hỗ trợ bên ngoài từ các tổ chức phát triển, Liên nhóm vẫn có nguồn lực tài chính để chi trả cho các hoạt động của mình. Nguồn kinh phí này là đóng góp từ các nông dân thành viên. Họ cũng sử dụng một phần lợi nhuận thu được để đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hệ thống tưới tiêu và nhà lưới.

6. Bảo vệ môi trường

PGS giúp làm giảm ô nhiễm môi trường liên quan đến sử dụng hóa chất nông nghiệp tại Thanh Xuân. Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ và phân ủ, độ phì của đất đã được cải thiện. Việc áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh tự nhiên như trồng cây xua đuổi đã góp phần vào đa dạng sinh học tại địa phương.

Các yếu tố quyết định thành công của một PGS bền vững

  • Nông dân Thanh Xuân có thể lập kế hoạch sản xuất tốt và cung ứng cả rau chính vụ lẫn trái vụ theo yêu cầu của người mua.
  • Kết nối với thị trường bền chặt giúp nông dân có thu nhập ổn định và duy trì tính cam kết qua nhiều năm.
  • Khoảng cách gần Hà Nội, nơi người tiêu dùng có nhu cầu lớn cho rau hữu cơ, giúp việc vận chuyển dễ dàng hơn và giảm bớt khó khăn về hậu cần.
  • Nông dân có khả năng áp dụng tốt kỹ thuật canh tác rau hữu cơ và họ làm việc chăm chỉ.
  • Sau 10 năm tồn tại, Liên nhóm đã có thể chứng minh lợi ích của PGS đối với nông dân thành viên. Những nông dân này đã khuyến khích nhiều nông dân khác tham gia Liên nhóm. Họ cũng đã xây dựng được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng và các nhà bán lẻ ở Hà Nội, từ đó củng cố niềm tin của những tác nhân này.
  • Trưởng Liên nhóm có khả năng lãnh đạo, có kiến thức và sự nhiệt tình và đã thể hiện cho nông dân thành viên thấy được điều đó.
  • Chính quyền địa phương cấp xã, huyện đã hỗ trợ liên nhóm thông qua chính sách dồn điền đổi thửa, mở lớp tập huấn và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Khuyến nghị và kết luận

Mặc dù có nhiều điểm mạnh kể trên, hệ thống PGS ở Thanh Xuân vẫn còn một số điểm yếu cần được khắc phục để nâng cao tính bền vững và hiệu quả. Thứ nhất, người tiêu dùng nên tham gia sâu hơn vào quá trình thanh kiểm tra chéo và/hoặc với tư cách thành viên của liên nhóm để củng cố hơn nữa mối quan hệ niềm tin giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng. Thứ hai, chính quyền địa phương có thể tăng cường sự tham gia bằng cách thúc đẩy PGS tại địa phương nhằm thu hút những nông dân khác tham gia hệ thống và khuyến khích nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm PGS hơn. Một số đơn vị như Chi cục Bảo vệ thực vật có thể tăng tần suất phân tích độ an toàn thực phẩm để gây dựng lòng tin ở người tiêu dùng. Thứ ba, liên nhóm cần cập nhật kiến thức cho nông dân để đảm bảo tất cả thành viên tuân thủ tiêu chuẩn hữu cơ, bản cam kết tham gia PGS và quy chế PGS. Cuối cùng, phần lớn nông dân trong nhóm sản xuất có độ tuổi từ 50 trở lên. Người trẻ lại không hào hứng với nông nghiệp và muốn trở thành công nhân trong các khu công nghiệp gần Thanh Xuân. Huy động giới trẻ tham gia PGS sẽ là một trong những thách thức trong thời gian tới.

Lời cảm ơn

Rikolto và VNUA chân thành cảm ơn tất cả những nông dân, người tiêu dùng, đại diện các công ty, chính quyền địa phương và tổ chức phi chính phủ đã tham gia vào nghiên cứu PGS này. Cái nhìn của họ giúp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức và cải thiện đáng kể những hiểu biết về thực trạng PGS tại Việt Nam.