Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee System – PGS) là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, giúp bảo đảm chất lượng nông sản và có thể khôi phục lại lòng tin của người tiêu dùng. Hệ thống đã được triển khai tại 66 quốc gia trên thế giới và đã được áp dụng tại Việt Nam hơn 10 năm qua. Trong khuôn khổ dự án “Đúc rút kinh nghiệm về Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia để nhân rộng và thể chế hóa”, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và Rikolto đã nghiên cứu các hệ thống PGS đang hoạt động ở Việt Nam nhằm đánh giá những điểm mạnh, yếu và đưa ra các khuyến nghị cải thiện hệ thống này trong bối cảnh nước ta.
Quá trình vận hành PGS ở Việt Nam sau 10 năm đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nghiên cứu tình huống này không nhằm mục đích đi sâu vào các thành công đó mà sẽ đề cập đến những thách thức ngăn cản PGS hoạt động hiệu quả và hướng giải quyết. Thất bại là mẹ thành công. Chúng ta cần phân tích lý do vì sao PGS vấp phải nhiều khó khăn trong quá khứ để rút ra bài học và thúc đẩy thành công trong tương lai. Nghiên cứu tình huống dưới đây sẽ nhìn vào một hệ thống PGS cụ.
Hệ thống PGS Hữu cơ được nhắc đến trong nghiên cứu này ra đời năm 2011 và nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế qua các năm. Hệ thống được áp dụng tại một tỉnh miền núi cách Hà Nội 100 km. Phần lớn nông dân trong PGS Hữu cơ là người dân tộc thiểu số, lấy nông nghiệp làm sinh kế chính. 7 năm sau khi PGS có mặt tại xã, hệ thống không có gì tiến triển, không còn đủ khả năng hỗ trợ và chứng nhận cho nông dân trong hệ thống.