HTX An Hòa áp dụng mô hình PGS trong sản xuất rau an toàn

HTX An Hòa áp dụng mô hình PGS trong sản xuất rau an toàn

20/10/2021

Sau gần 3 năm tham gia triển khai dự án “Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho hộ sản xuất nhỏ tại Vĩnh Phúc” đã làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất của người nông dân, tạo ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các thành viên tham gia sản xuất và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau củ quả của HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh hàng nông sản An Hòa.

HTX Dịch vụ nông nghiệp & Kinh doanh hàng nông sản An Hòa được thành lập và đi vào hoạt động từ quý II/2017, với mục tiêu sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn trong đó mặt hàng quả dưa chuột là chủ yếu. Trong đó HTX sản xuất và được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đối với sản phẩm quả dưa chuột trên diện tích 10 ha.

Nhằm góp phần xây dựng ngành hàng rau, củ, quả theo hướng an toàn, bền vững và tiêu thụ thông qua các chuỗi cung ứng, năm 2018, được sự hỗ trợ của tổ chức Rikolto Việt Nam, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho hộ sản xuất nhỏ lẻ”. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện “Hỗ trợ xây dựng vận hành hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) và thực hiện hỗ trợ nhân rộng, công nhận PGS trên địa bàn tỉnh”. Chi cục cùng tổ chức Rikolto Việt Nam đã thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo PGS với diện tích gần 15 ha. HTX Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh hàng nông sản An Hòa được lựa chọn tham gia dự án với diện tích 5ha, cùng 40 hộ dân.

Quí III/2018, khi tham gia dự án HTX và nông dân được hỗ trợ về kiến thức quản lý, kỹ năng lãnh đạo HTX và giám sát thành viên. Đặc biệt được áp dụng hệ thống cùng tham gia đảm bảo (PGS) trong quản lý chất lượng rau an toàn.

Thực hiện giám sát bằng PGS, HTX được hướng dẫn và kèm cặp thành lập hệ thống, kỹ năng thanh tra giám sát và hoàn thành quy trình chứng nhận và khiếu nại cho khách hàng và thành viên. Hệ thống còn kết nạp cả khách hàng của HTX tham gia vào ban điều phối nhằm tăng cường giám sát từ người mua đối với sản phẩm sản xuất của nông dân.

Bên cạnh việc hỗ trợ khả năng quản lý và vận hành hệ thống, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch; được tập huấn về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng, cách ủ và sử dụng phân hữu cơ và kỹ năng ghi chép nhật ký, luôn dược nhắc nhở và kèm cặp để các sản phẩm được truy xuất đến tận hộ.

Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp và kinh doanh hàng nông sản An Hòa cho biết: Trong quá trình 3 năm tham gia dự án, áp dụng PGS, 4 nhóm của HTX với 40 nông dân đều đạt chứng nhận thông qua kết quả thanh tra từ ban điều phối PGS của HTX, Chi cục Trồng trọt & BVTV. Kết quả phân tích mẫu trong 2 năm 2019, 2020 đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đáng mừng nhất là sản phẩm chứng nhận PGS được khách hàng chấp nhận và HTX không phải thực hiện chứng nhận VietGAP nên đã giảm một khoản chi phí tương đối.

Về kinh doanh của HTX đã có sự cải thiện và phát triển, sản lượng trung bình từ 4-5 tấn/ngày năm 2018 đến nay đã tăng lên từ 10-20 tấn/ngày tùy vào thời vụ trong năm. HTX đã đa dạng sản phẩm như su hào, bắp cải, đậu cove, bầu, mướp đắng, ngô.. so với trước đây chủ yếu là dưa chuột. Khách hàng cũng đa dạng hơn gồm bếp ăn tập thể, công ty chế biến, siêu thị và các đầu mối thương lái lớn các tỉnh lân cận.

Khi tham gia hệ thống lượng khách hàng tăng, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu sang tỉnh Tuyên Quang với 295 hộ dân tham gia với diện xấp xỉ 100 ha/năm. Các hộ nông dân cũng được HTX huấn luyện kỹ thuật theo PGS, lập kế hoạch sản xuất theo từng thời điểm, cung cấp giống tốt và có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn.

Đánh giá lợi ích khi tham gia PGS, ông Dũng cho biết thêm: PGS là một hệ thống kiểm soát chất lượng có chi phí thấp và chứng nhận được cho toàn bộ các sản phẩm có trên đồng ruộng. Các chi phí phát sinh chủ yếu là hệ thống tài liệu lưu trữ và phân tích mẫu. PGS chứng nhận theo nhóm và có người tiêu dùng tham gia nên tính trách nhiệm và tính tự giác của nông dân được nâng cao rõ rệt. PGS thật sự rất phù hợp với các hộ sản xuất nhỏ như các hộ dân đang tham gia HTX. Ngoài ra, khi tuân thủ tiêu chuẩn của PGS, nông dân sẽ có danh mục thuốc được dùng, không sử dụng, thuốc BVTV độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người sản xuất và tiêu dùng.

Trong thời gian tới, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và kinh doanh hàng nông sản An Hòa sẽ tiếp tục hỗ trợ các thành viên của HTX sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm theo các kênh của HTX đã phát triển. Sử dụng tem nhãn và bao bì để giúp cho người tiêu dùng phân biệt, nhận biết sản phẩm của HTX, trong đó chủ yếu đối với khách hàng là các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp và siêu thị. Đồng thời mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường công tác tuyên truyền để ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng sản xuất theo hệ thống PGS để góp phần phát triển ngành hàng rau an toàn của tỉnh.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của các HTX tham gia dự án. Sở Nông Nghiệp &PTNT đã ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời áp dụng hệ thống PGS đối với sản phẩm rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để các hộ nông dân áp dụng quy trình sản xuất nhằm xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn bền vững./.

Tác giả: Hồng Đức - Nguồn: http://sonnptnt.vinhphuc.gov.vn/tinsanxuat/pages/trong-trot.aspx?ItemID=36075