Ngày 09/07/2021, Chi cục Quản lý Nông lâm sản và Thủy sản - Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam đã tổ chức Hội nghị “Công bố tài liệu hướng dẫn thực hành hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) đối với rau an toàn trên địa bàn tỉnh". Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành các cấp có liên quan, tổ chức Rikolto tại Việt Nam và một số hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau trên địa bàn tỉnh.
Hà Nam công bố tài liệu hướng dẫn thực hành PGS đối với rau an toàn
Hà Nam công bố tài liệu hướng dẫn thực hành PGS đối với rau an toàn
Trong vòng 5 năm thực hiện Dự án “Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho hộ sản xuất nhỏ tại Hà Nam” kể từ năm 2017, nghiên cứu cho thấy thu nhập của nông dân từ rau PGS cao hơn so với rau không có chứng nhận PGS và các loại cây trồng khác. Thu nhập trung bình của nông dân từ rau an toàn và rau hữu cơ PGS trong tỉnh dao động từ 2,5 đến 10 triệu VND/tháng, tùy theo quy mô sản xuất và mùa vụ. Đa số các PGS có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các nhà bán lẻ hay bếp ăn tập thể.
Rikolto hỗ trợ tỉnh Hà Nam áp dụng PGS từ năm 2018, ban đầu tại Trác Văn sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, đến năm 2019 áp dụng với Hợp tác xã (HTX) Cát Lại và HTX Thanh Sơn sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP cơ bản. Đến nay, các sản phẩm rau của Trác Văn và Cát Lại đã có có mặt tại hệ thống siêu thị tại Hà Nội, đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ nhất định như: Công ty Tuyền Tuyến, Cty TD Mart (Hải Dương), HTX Phú Yên (Hưng Yên) HTX Bảo An, bếp ăn nhiều trường học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Tại Cát Lại, tổng số nông dân sản xuất rau an toàn theo PGS là 42 hộ, diện tích 10ha. Trong vụ Đông năm 2020, hệ thống PGS đã được sử dụng như một công cụ kiểm soát nội bộ khi áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap cho sản phẩm bắp cải xuất khẩu và đạt chứng nhận tại Cát Lại. Năm 2021, việc áp dụng hệ thống PGS để quản lý chất lượng được mở rộng áp dụng tại HTX Thanh Tân – Thanh Liêm – Hà Nam. Tại các địa bàn thực hiện PGS, nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc GAP, tính bền vững về môi trường được đảm bảo. Nông dân thực hiện PGS cũng có những hoạt động mang tính gắn kết cộng đồng chặt chẽ hơn, học được trách nhiệm đối với cộng đồng. Một số PGS sáng tạo tổ chức các hoạt động cộng đồng và hội chợ nhỏ để nông dân chia sẻ kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTTT Hà Nam đánh giá cao sự phù hợp của PGS đối với sản xuất nhỏ lẻ tại địa bàn tỉnh, và cho biết trong thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường áp dụng PGS như hệ thống đảm bảo chất lượng trong toàn tỉnh.
PGS là viết tắt của “Participatory Guarantee System” - Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đang được áp dụng tại hơn 70 nước trên thế giới. PGS giúp đảm bảo chất lượng nguồn rau hữu cơ, rau an toàn cho người tiêu dùng và góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân.
PGS hoạt động minh bạch dựa trên sự tham gia tích cực của các bên: người sản xuất, thương nhân, đơn vị hỗ trợ như cơ quan quản lý nhà nước, và đặc biệt có cả người tiêu dùng. Đến thời điểm hiện tại PGS là Hệ thống giám sát chất lượng duy nhất có sự tham gia của người tiêu dùng.
Một số tài liệu tham khảo:
- Quyết định 131/QĐ-SNN ngày 08/7/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành tài liệu hướng dẫn thực hành hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) đối với rau an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
- Tài liệu hướng dẫn thực hành hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) đối với rau an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.