Công nhận PGS tại Việt Nam: câu chuyện thành công về thực phẩm an toàn cho thành phố

Công nhận PGS tại Việt Nam: câu chuyện thành công về thực phẩm an toàn cho thành phố

31/08/2022
Vuong Tuyet Nhung
Vuong Tuyet Nhung
Communications Officer
+84-24 6258 3640/41 - ext. 35

Tính đến năm 2021, Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee System – PGS) đã được công nhận để áp dụng tại 43 Hợp tác xã (HTX) tại thủ đô Hà Nội. Tới nay, PGS cũng đã được công nhận như một hệ thống đảm bảo chất lượng đối với rau an toàn trên địa bàn các tỉnh và thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Đà Nẵng. Bằng cách nào chúng ta đã đạt được thành công này, và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với việc tiếp cận thực phẩm an toàn và lành mạnh tại Việt Nam? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kĩ hơn thông qua câu chuyện sau đây nhé!

Năm 2020*, một nghiên cứu được tiến hành tại Việt Nam đã chỉ ra rằng thực phẩm thiếu an toàn và lành mạnh đã góp phần đáng kể trong việc gây ra những căn bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, hô hấp mãn tính và tiểu đường – phản ánh rõ hơn về tình trạng an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Năm 2017, tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm đã tăng lên 77%.

Thực trạng này kêu gọi sự vào cuộc của các bên tham gia, và một trong những lĩnh vực cần ưu tiên giải quyết là vấn đề sản xuất thực phẩm.

Kể từ năm 2010, Rikolto đã bắt đầu làm việc với chính quyền địa phương và các tổ chức nông dân tại Việt Nam để áp dụng Hệ thống PGS. Đây là một hệ thống đảm bảo chất lượng có thể đem tới giải pháp thay thế cho những chứng nhận bền vững do bên thứ ba thực hiện, đồng thời đóng góp vào quá trình sản xuất rau quả an toàn.

Năm 2017, để hỗ trợ quá trình áp dụng và thể chế hóa hệ thống, Rikolto đã làm việc với 13 tổ chức nông dân và các cơ quan ban ngành tại các tỉnh thành Hà Nội, Vĩnh Phúc và Hà Nam.

Bạn muốn tìm hiểu thêm về mô hình PGS?

Hệ thống PGS là giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm cho người dân khi việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp có thể gây ra những rủi ro cho cả người nông dân lẫn người tiêu dùng. Trong khi đó, nhu cầu của người dân về sử dụng rau sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng gia tăng.

Tìm hiểu thêm

Tổng diện tích rau quả áp dụng hệ thống PGS trong 5 năm đã tăng từ 4,7 ha (năm 2017) lên 233 ha (năm 2021).

Dựa vào những kết quả trên, năm 2018, Rikolto hợp tác với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội để triển khai áp dụng PGS cho 3 tổ chức nông dân với diện tích ban đầu trên 17,7ha. Đến năm 2021, diện tích áp dụng PGS đã mở rộng lên 1.901 ha, chiếm 14% tổng diện tích sản xuất rau an toàn của toàn thành phố với 43 HTX tham gia.

Từ năm 2017 đến năm 2021, cả 4 tỉnh thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Đà Nẵng đồng loạt công nhận PGS như là hệ thống đảm bảo chất lượng đối với rau an toàn trên địa bàn.

Hà Nội đã tăng từ 4 ha lên 14% tổng diện tích sản xuất rau như thế nào?

Kết nối là trọng tâm trong các công việc của Rikolto. Ngay từ ban đầu, Rikolto đã làm việc với các Sở, ban ngành về nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc cũng gặp thuận lợi.

Một trong số những thách thức trong quá trình triển khai áp dụng PGS là hệ thống này còn khá mới mẻ so với các các hệ thống đảm bảo chất lượng khác, ví dụ như VietGAP. Hơn nữa, vai trò của PGS trong việc cung cấp thực phẩm an toàn cũng chưa được nhiều nông dân hoặc thành viên các HTX biết đến.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hà Nội nhớ lại:

“... Chúng tôi đã phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, như năng lực của Ban quản trị một số HTX và nhận thức của nông dân về PGS còn hạn chế, cam kết của nông dân trong việc ghi chép, theo dõi sổ sách... Điều này đã dẫn đến việc nhân rộng mô hình PGS bị chậm trễ, cũng như gặp khó khăn trong việc duy trì mô hình”.

Trong khi đó, giá cả giữa rau an toàn được cấp chứng nhận và rau chưa được cấp chứng nhận không có sự khác biệt rõ ràng trên thị trường, khiến nông dân thiếu động lực sản xuất để đạt chứng nhận.

Để giải quyết những thách thức này,

  • Rikolto đã làm việc chặt chẽ với những thành viên nòng cốt của các HTX để triển khai thí điểm và giám sát từng bước trong quá trình thực hiện PGS.
  • Rikolto thúc đẩy các tổ chức sản xuất đóng vai trò tích cực trong quá trình quản lý, giám sát nội bộ và khuyến khích tăng cường trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm.
  • Rikolto đã tổ chức các buổi họp và hội thảo giữa các tổ chức liên quan đến thí điểm để tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và bài học từ việc áp dụng mô hình.
  • Tất cả thông tin của từng giai đoạn thí điểm đều được ghi chép lại và rà soát, song song với tiến trình vận động chính sách đối với các tổ chức và chính quyền địa phương.

Một yếu tố then chốt trong quá trình thể chế hóa PGS là việc tài liệu hóa tiến trình thực hiện trong từng giai đoạn, giúp tạo ra không gian trao đổi kiến thức và cũng như các chuyến thăm thực địa tới các HTX thực hiện thí điểm mô hình của chính quyền địa phương, đồng thời xây dựng và phổ biến các bằng chứng phù hợp nhằm nâng cao nhận thức với sự tham gia của đa bên.

“Trong suốt quá trình thực hiện PGS, Rikolto đã cùng đồng hành với Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn việc triển khai và thực hiện thí điểm mô hình”.

chị Nguyễn Thị Đến Cán bộ chương trình Thực phẩm An lành cho Thành phố của Rikolto

Các hoạt động hỗ trợ 13 HTX đầu tiên ở giai đoạn đầu của dự án cũng đã giúp Rikolto xây dựng được các tài liệu đa dạng như sổ tay và tài liệu hướng dẫn áp dụng PGS, để từ đó hướng dẫn việc thực hiện PGS ở Hà Nội.

Ngoài việc hỗ trợ xin phê duyệt và vận động chính sách tại Hà Nội, Rikolto cũng làm việc với các đối tác tại Vĩnh Phúc, Hà Nam và Đà Nẵng để hỗ trợ, hướng dẫn việc vận động chính sách và áp dụng PGS tại địa phương.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đã tham mưu cho cơ quan chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận PGS là hệ thống đảm bảo chất lượng rau an toàn trên địa bàn và áp dụng tại 43 HTX!

Hà Nam, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc sau đó cũng đều ban hành các tài liệu hướng dẫn thực hiện PGS đối với rau an toàn, cho thấy sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc áp dụng và nhân rộng mô hình PGS tại địa phương.

Trường hợp tại Hà Nam: tăng thu nhập với PGS

Trường hợp tại Hà Nam: tăng thu nhập với PGS

Theo một báo cáo đánh giá tính hiệu quả được thực hiện tại Hà Nam vào năm 2021, nông dân áp dụng PGS đã tăng thu nhập từ việc trồng rau so với loại rau không được chứng nhận và các loại cây trồng khác.

Tìm hiểu thêm

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đã lập ngân sách và kế hoạch hành động cho việc mở rộng PGS tại 43 HTX.

Tại Đà Nẵng, chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức nông dân áp dụng mô hình PGS, giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết hợp sản xuất với phát triển du lịch sinh thái, đồng thời các tổ chức nông dân cũng được tham gia vào các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến sản phẩm như các hội chợ, triển lãm hàng nông nghiệp của thành phố.

Tại Hà Nam và Vĩnh Phúc, các HTX áp dụng PGS đều được ưu tiên lựa chọn để lấy mẫu thử nghiệm phân tích và giám sát chất lượng sản phẩm với nguồn kinh phí của Nhà nước.

Bạn muốn tìm hiểu thêm tài liệu hướng dẫn áp dụng PGS?


  • World Bank, 2020, Đánh giá dự đoán nhanh hệ thống thực phẩm và các mối nguy về an toàn thực phẩm liên quan đến rau, thịt lợn và cá được bán và tiêu thụ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.