Cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ dân sinh Vĩnh Phúc

Cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ dân sinh Vĩnh Phúc

13/12/2022

Chợ truyền thống là một mắt xích quan trọng trong hoạt động mua bán thực phẩm hàng ngày của người dân Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thực phẩm thành thị. Theo thống kê của Bộ Công Thương ở thời điểm hiện tại, chợ truyền thống – bao gồm chợ chính thức, chợ cóc, chợ dân sinh, v.v… đang cung cấp khoảng 80% lượng nông sản, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thực tế các sản phẩm bày bán tại các chợ hiện vẫn đang tồn tại một vài vấn đề khó khăn liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng theo thói quen, người dân vẫn thường đến mua thực phẩm tại chợ với lý do “mua hàng là niềm tin”, hay “sản phẩm ở chợ rẻ và đa dạng hơn so với ở siêu thị”... Vậy, vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ dân sinh thực tế ra sao?

Thực tế tại chợ dân sinh Vĩnh Yên

năm 1988 với tổng diện tích 9.000 m2 và 1.250 hộ kinh doanh. Chợ được chia làm hai khu: khu chuyên bán hàng thực phẩm và khu bán hàng tiêu dùng (mỹ phẩm, quần áo, giầy dép, …). Về kinh doanh thực phẩm, toàn chợ có 63 hộ kinh doanh, đa số đang sinh sống tại các phường trong địa bàn thành phố. Trung bình mỗi hộ kinh doanh rau quả bán khoảng 30kg/ ngày (1,8kg-2 tấn/ ngày), hàng thịt khoảng 50kg/ ngày (2,5 tấn/ ngày). Ngoài các hộ đăng ký chính thức tại chợ, khoảng 30 hộ kinh doanh là khách vãng lai, không bán hàng thường xuyên. Đối tượng khách hàng chủ yếu là người tiêu dùng sinh sống xung quanh chợ.

Quản lý chợ dân sinh – vấn đề còn nhiều bất cập

Do nhu cầu và thói quen mua sắm thực phẩm hàng ngày của người tiêu dùng, tiểu thương tại chợ chỉ nhập các mặt hàng với số lượng nhỏ nhưng đa dạng. Đa số các mặt hàng rau, củ, quả được bày bán tại chợ được cung cấp từ các chợ đầu mối và thương lái, một số ít (15%) do các hộ tự trồng và bán. Theo Ban Quản lý chợ, ngoài các loại rau củ quả tươi được sản xuất ở từ các địa bàn lân cận như Tam Dương, Mê Linh, Vĩnh Tường, Yên Lạc (60%), còn lại các mặt hàng khô như hành tây, khoai tây, cà rốt chủ yếu lấy từ Trung Quốc (40%).

Công tác quản lý chất lượng thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại chợ Vĩnh Yên hiện đang gặp một số khó khăn do các Hợp tác xã có truy xuất nguồn gốc rõ ràng chỉ có thể cung cấp cho tiểu thương một vài sản phẩm nhất định với số lượng lớn. Do đã sẵn có mối quan hệ lâu năm với các nhà cung cấp các mặt hàng, tiểu thương thường chỉ muốn giữ nguyên những mối quan hệ này nên ngại tìm hiểu các nhà cung cấp khác trên thị trường. Trong khi đó, giá bán các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng lại không chênh lệch đáng kể so với các sản phẩm thông thường, do vậy không khuyến khích được các hộ cung cấp nhỏ lẻ sản xuất các sản phảm đảm bảo chất lượng.

Bài toán đặt ra cho vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ Vĩnh Yên đang cần tìm những giải pháp phù hợp nhằm cải thiện chất lượng.

Xây dựng môi trường thuận lợi, đa bên nhằm đảm bảo ATTP

Ngày 25/11/2022, Rikolto phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo đa bên nhằm phân tích hệ thống thực phẩm và lập kế hoạch thúc đẩy an toàn thực phẩm chợ dân sinh tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tham gia Hội thảo có sự góp mặt của đại diện Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Vĩnh Phúc, Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm sản và thủy sản, Ban Quản lý chợ Vĩnh Yên, và một số tiểu thương tại chợ.

Nhằm thúc đẩy chia sẻ thông tin và phối kết hợp trong quản lý, giám sát chất lượng thực phẩm, Hội thảo thống nhất hình thành Ban Điều phối thực phẩm, trước mắt thí điểm tại chợ Vĩnh Yên. Ban điều phối bao gồm đại diện Chi cục VSATTP, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Ban Quản lý chợ Vĩnh Yên và đại diện các công ty cung cấp thực phẩm.

Trong thời gian tới, Rikolto sẽ phối kết hợp với Ban điều phối để xây dựng kế hoạch và chương trình hành động thí điểm thúc đẩy công tác quản lý, giám sát chất lượng và an toàn các loại rau củ tại chợ Vĩnh Yên làm cơ sở đánh giá, đúc rút kinh nghiệm mở rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động trên nằm trong khuôn khổ của Dự án “Phát triển hệ thống thực phẩm bao trùm, thích ứng và bền vững tại tỉnh Vĩnh Phúc”, giai đoạn từ 01/04/2022 đến 31/12/2026 với nguồn ngân sách chính do Tổng vụ Hợp tác và Phát triển (DGD) của Bỉ tài trợ.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: