VECO Việt Nam và Rainforest Alliance hợp tác trong hoạt động quản lý bền vững sinh thái ngành chè ở Việt Nam

VECO Việt Nam và Rainforest Alliance hợp tác trong hoạt động quản lý bền vững sinh thái ngành chè ở Việt Nam

08/08/2016
Charlotte Flechet
Charlotte Flechet
Good Food For Cities programme director

Từ tháng 12/2015, VECO Việt Nam giữ vai trò là tổ chức điều phối cấp quốc gia cho dự án “Quản lý bền vững sinh thái ngành chè” của Quỹ Môi trường Toàn cầu (Global Environment Facility – GEF) và tổ chức Rainforest Alliance. Trong hơn hai năm, VECO sẽ thực hiện đào tạo các thực hành quản lý đất bền vững và làm việc với các nhà hoạch định chính sách để cải thiện việc áp dụng cách tiếp cận quản lý này trong ngành chè.

Mới đây, VECO đã trở thành tổ chức điều phối quốc gia cho dự án “Quản lý bền vững sinh thái ngành chè” ở Việt Nam. Với tư cách là đối tác thực hiện, VECO chịu trách nhiệm lên kế hoạch và triển khai các hoạt động của dự án tại Việt Nam. Phần lớn kinh phí được tài trợ bởi GEF, dự án nhằm mục đích giảm suy thoái đất trồng chè ở châu Á bằng cách hỗ trợ nông dân áp dụng các thực hành quản lý đất bền vững và quản lý tài nguyên tổng hợp. Dự án được triển khai đến tháng 2/2018, và hợp phần tại Việt Nam sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho ngành công nghiệp chè cũng như các nhà lãnh đạo để lồng ghép những thực hành này vào chính sách phát triển kinh tế.

Dự án được thực hiện ở năm khu vực sản xuất chè chính của châu Á: Darjeeling, Assam (Ấn Độ), Sri Lanka, Vân Nam (Trung Quốc) và Việt Nam, và hướng đến tiếp cận 30.000 nông trại chè với tổng diện tích 60.000 ha. Tại Việt Nam, dự tính 7.000 nông dân sẽ được tập huấn bởi 50 giảng viên.

Mục tiêu chung vì một ngành nông nghiệp bền vững

Rainforest Alliance (RA) là tổ chức phi chính phủ toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế. Thành lập vào năm 1987, RA hướng tới việc chuyển đổi các thực hành sử dụng đất, thực hành kinh doanh và thay đổi hành vi người tiêu dùng, thông qua đó, cả hành tinh và nhân loại có thể tồn tại một cách bền vững. RA được biết đến nhiều nhất qua hình ảnh chú ếch xanh – nhãn hiệu Rainforest Alliance Certified™, một biểu tượng quốc tế về tính bền vững môi trường, xã hội và kinh tế [1] .

Đây không phải dự án hợp tác đầu tiên giữa VECO Việt Nam và RA. Trong giai đoạn 2013-2015, VECO ký kết thỏa thuận với RA hỗ trơ kỹ thuật cho các công ty, nhà máy và người sản xuất chè đạt được chứng nhận Rainforest Alliance với sự hỗ trợ tài chính trợ từ IDH, Rainforest Alliance và Unilever. VECO thành lập các Lớp học Hiện trường (Farmer's Field Schools - FFS) về Thực hành Nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practices - GAP), tập huấn cho 395 nông dân chủ chốt về các tiêu chí của Mạng lưới Nông nghiệp Bền vững (Sustainable Agriculture Network’s - SAN), và giúp 17 nhà máy vận hành Hệ thống Quản lý Nội bộ (Internal Management System - IMS) để chuẩn bị cho chứng nhận.

Quản lý đất bền vững trong sản xuất chè

Dự án này sử dụng cách tiếp cận cảnh quan đối với vấn đề suy thoái đất trồng chè. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh, mô hình phát triển mới này “thừa nhận mối liên kết giữa con người, các hệ thống tự nhiên và các nguồn lực nền tảng” [2]. Trong cách tiếp cận này, các can thiệp mang tính chất địa dư hơn là tính chất ngành và được nhìn nhận dưới một góc độ toàn diện mà ở đó, những chiến lược về kinh tế - xã hội và địa lý được lồng ghép nhằm đạt được các mục tiêu xã hội, kinh tế và môi trường trong các khu vực mà sản xuất nông nghiệp cạnh tranh với những mục tiêu môi trường. Cách tiếp cận cảnh quan, về cơ bản, cho rằng mỗi khu vực cảnh quan là một hệ sinh thái đa chức năng đáp ứng một loạt các nhu cầu như cung cấp nước, làm sạch không khí, các dịch vụ về thụ phấn, sản xuất cây trồng cho các ngành công nghiệp và làm thực phẩm, v.v. – và tất cả những cấu phần phải được quản lý một cách tổng hợp.

Trong khu vực mà sản xuất chè là hoạt động kinh tế chủ yếu, áp dụng cách tiếp cận cảnh quan mang ý nghĩa tăng cường canh tác chè bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người nông dân, đồng thời bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên. Việc này đòi hỏi phải áp dụng các thực hành sản xuất chè vừa giúp bảo tồn khu vực cảnh quan tự nhiên quan trọng của địa phương, vừa giúp tăng năng suất và chất lượng chè. Trong dài hạn, quản lý bền vững cảnh quan khu vực sản xuất chè được kỳ vọng sẽ nâng cao sức khỏe của cả con người lẫn hệ sinh thái tự nhiên.

Can thiệp của VECO

VECO triển khai các hoạt động trong chương trình của Rainforest Alliance ở Việt Nam và thúc đẩy quá trình áp dụng quản lý đất bền vững trong ngành chè ở năm tỉnh mục tiêu: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu và Thái Nguyên. Để các thực hành quản lý đất được cải thiện và lồng ghép vào những khu vực sản xuất chè, VECO sẽ can thiệp ở hai cấp độ.

Thứ nhất, VECO sẽ làm việc với các công ty chè và tổ chức sản xuất để khuyến khích áp dụng những kỹ thuật quản lý đất bền vững như tủ gốc, ủ phân, trồng cây che bóng, cây che phủ và thiết kế nương chè. Cụ thể hơn, VECO sẽ xây dựng tài liệu đào tạo và thực hiện các hoạt động đào tạo, tổ chức các sự kiện khuyến nông, và tập huấn cho nhân viên kỹ thuật và nông dân chủ chốt. Những lớp tập huấn về quản lý đất bền vững hướng đến các nhà quản lý bất động sản, cán bộ kỹ thuật của công ty, tổ chức phi chính phủ đối tác và những nhà cung cấp dịch vụ. Chính họ sẽ tập huấn lại cho nông hộ nhỏ nhằm giúp họ áp dụng tốt hơn các thực hành sản xuất.

Thứ hai, VECO sẽ chia sẻ những kết quả thành công với chính quyền và các nhà hoạch định chính sách trong ngành chè để hỗ trợ nhân rộng thực hành quản lý đất bền vững ở cấp độ toàn ngành. Giai đoạn này sẽ diễn ra vào năm 2017, kèm theo việc công bố các trường hợp điển hình và tổ chức một loạt sự kiện với các nhà hoạch định chính sách.

Những lợi ích tiềm năng từ việc áp dụng những thực hành này cho các nông hộ nhỏ là rất lớn. Đặc trưng của sản xuất chè của Việt Nam hiện tại là việc sử dụng quá nhiều hóa chất nông nghiệp, thiếu đầu tư vào năng lực sản xuất, chất lượng búp chè còn thấp, và liên kết lỏng lẻo giữa người sản xuất và nhà máy chè. Nhờ các can thiệp của GEF, Rainforest Alliance và VECO, tính bền vững và chất lượng sản xuất chè của nông hộ sẽ được nâng cao. Mong rằng qua đó, người nông dân sẽ bán được chè với giá cao hơn trên thị trường xuất khẩu.

VECO đã tổ chức thành công hội thảo lập kế hoạch quốc gia với các bên liên quan và bắt đầu các hoạt động đào tạo giảng viên nguồn (ToT). Nhiều nhà máy muốn tham gia vào dự án vì họ nhận thấy được những lợi ích tài chính tiềm năng của việc sản xuất và chất lượng chè được nâng cao. VECO hy vọng rằng, khi dự án kết thúc, các thực hành quản lý đất bền vững thành công sẽ truyền cảm hứng cho những nông dân khác thay đổi thực hành của họ.

Ông Hoàng Thanh Hải, Điều phối Quốc gia của dự án tại VECO chia sẻ: “Việc nhân rộng các thực hành tốt của nhóm nông dân không nằm trong dự án sẽ là một thành công đáng kinh ngạc”.

Liên hệ: Ông Hoàng Thanh Hải, Cán bộ Quản lý Dự án chè của VECO, Điều phối Quốc gia tại Việt Nam – [hai [at] veco.org.vn](hai [at] veco.org.vn)