Thay đổi chế độ ăn có thể giúp hạn chế biến đổi khí hậu thế nào

Thay đổi chế độ ăn có thể giúp hạn chế biến đổi khí hậu thế nào

11/06/2016

Khối lượng thịt mà 90 triệu người Việt Nam đang tiêu dùng đã tăng lên ổn định trong 10 năm vừa qua. Từ 20 kg/người/năm vào năm 1999, con số này đã tăng lên đến gần 50 kg/người/năm vào năm 2009 [1], cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á và là một trong những nước có lượng tiêu thụ tăng nhanh nhất thế giới.

Thịt lợn, tiếp theo là gia cầm, vẫn là loại thịt yêu thích của các hộ gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, thịt bò đã có bước đột phá trong nhiều năm gần đây. Nhìn chung, nhu cầu cho thịt bò đã tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam và nhanh hơn nhiều so với sự tăng lên của nguồn cung nội địa [2]. Hiện tại, thịt bò chỉ chiếm khoảng 7% khối lượng thịt tiêu dùng ở Việt Nam, nhưng con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên thành 12% vào năm 2020 – theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT [3].

Điều này có thể lý giải bởi việc tăng trưởng kinh tế ổn định của đất nước đã giúp nâng cao thu nhập của hàng triệu gia đình Việt Nam kể từ cuối những năm 80 thế kỷ trước. Các chuyên gia kinh tế mong đợi lượng tiêu dùng thịt sẽ tiếp tục tăng trong các thập niên tới, và nó sẽ chỉ bắt đầu giảm khi người dân Việt Nam đạt được mức thu nhập rất cao [4].

Hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói là việc đáng mừng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng có cái giá của nó: một trong những ảnh hưởng của sự gia tăng trong tiêu dùng thịt là các tác động tiêu cực đến môi trường và an ninh lương thực thế giới.

Nếu gia súc hình thành đất nước riêng của chúng, đất nước này sẽ đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ”

Giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật để bảo vệ môi trường

Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) – một tổ chức đi đầu về nghiên cứu phát triển bền vững vừa công bố một loạt báo cáo tóm tắt về việc Tạo dựng một Tương lai Thực phẩm Bền vững (Creating a Sustainable Food Future). Bản tóm tắt mới nhất tập trung vào vấn đề Thay đổi Chế độ ăn vì Một tương lai Thực phẩm Bền vững (Shifting Diets for a Sustainable Food Future). Bản tóm tắt cho thấy, những thay đổi trong chế độ ăn có thể cải thiện tình hình an ninh lương thực và các vấn đề bền vững môi trường. Phát hiện chính của báo cáo đã chỉ ra rằng, chỉ những thay đổi nhỏ trong việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến việc giảm hiệu ứng nhà kính và sử dụng tài nguyên nông nghiệp.

Theo các công bố: “So với việc trồng các loại cây cung cấp đạm phổ biến như đậu xanh và đậu lăng, sản xuất thịt bò cần đến diện tích đất nhiều hơn tới 20 lần và thải ra một lượng khí nhà kính gấp 20 lần trên một đơn vị đạm.” Sản xuất thịt bò cần một diện tích đất nhiều gấp 160 lần khoai tây, lúa mì và gạo trên mỗi ca-lo [5] và tạo ra tới 15% trong tổng lượng khí nhà kính [6]. Trong khi đó, thịt lợn và thịt gà chỉ cần một diện tích nhiều gấp ba lần và lượng khí nhà kính thải ra cũng chỉ lớn hơn ba lần so với đậu. Đáng chú ý, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), khoảng 45% lượng khí nhà kính trong ngành chăn nuôi đến từ sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi. Hình ảnh cung cấp bởi Gaaliance dưới đây nêu rõ lượng thức ăn cần thiết để tăng được 0,45 gam (1 pound). Có thể thấy, lượng thức ăn cho gia súc lớn hơn rất nhiều so với các động vật khác.

Ở cấp độ toàn cầu, năm 2010, các loài động vật nhai lại như gia súc, dê và cừu đã tạo ra gần một nửa tổng lượng khí nhà kính trong nông nghiệp. Một công bố của WRI nhấn mạnh “Nếu gia súc hình thành đất nước riêng của chúng, đất nước này sẽ đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ” về phát thải khí nhà kính.

Đó là bởi gia súc là nguồn khí mê-tan (CH4) rất lớn, một loại khí nhà kính ảnh hưởng lên khí hậu lớn hơn 25 lần CO2 – theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ.

Nhu cầu cho thực phẩm có nguồn gốc động vật (bao gồm sản phẩm từ sữa và thịt) trên thế giới có khả năng tăng thêm 80% giai đoạn 2006-2050, và tăng tới 95% đối với thịt bò. Điều này chắc chắn sẽ khiến đất phải chuyển đổi nhiều hơn, gây tác động xấu đến hệ sinh thái tự nhiên và thải ra nhiều khí nhà kính hơn.

Tuy nhiên, ở tất cả các khu vực trên thế giới bao gồm Đông Nam Á, người dân lại đang tiêu thụ đạm nhiều hơn mức cần thiết.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong tương lai

Dự báo của FAO kỳ vọng một khoảng cách 70% giữa lượng ca-lo có trong cây trồng năm 2006 và lượng ca-lo cần có trong năm 2050. Nhu cầu này được hâm nóng bởi hai xu hướng: dân số thế giới được dự đoán là 10 tỷ người vào năm 2050 và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Điều này thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm theo hướng chuyển sang những thực phẩm cần nhiều lao động để sản xuất như sữa và thịt [7].

Theo Viện Tài Nguyên Thế giới, sản xuất nông nghiệp tăng lên liên tục không phải là trạng thái bền vững hay đáng để mong muốn vì nó sẽ gây nhiều áp lực hơn lên việc chuyển đổi hệ sinh thái tự nhiên thành trang trại hoặc đất chăn nuôi. Do đó, WRI khuyến cáo cần phải giải quyết vấn đề tiêu thụ quá nhiều ca-lo , điều này giúp giảm nguy cơ béo phì đang trở thành hiện tượng mang tính toàn cầu. Những phát hiện của WRI chỉ ra rằng, sử dụng đất nông nghiệp hiện có để cung cấp thức ăn cho 10 tỷ người vào năm 2050 là điều khả thi, chỉ đơn giản bằng việc giảm lượng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật trong bối cảnh người dân đang giàu có lên.

Vậy bạn có thể làm gì?

Bạn có nhất thiết phải trở thành người ăn chay để tạo ra một sự thay đổi? Câu trả lời là không. Bạn không cần ngừng tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Hãy bắt đầu bằng việc ăn chay 1-2 ngày trong thời gian biểu. Khi ăn thịt, bạn hãy cố gắng lựa chọn các loại mang tính bền vững cho môi trường như thịt lợn, thịt gà hay cá thay vì thịt bò. Bổ sung đạm bằng các sản phẩm từ thực vật như đậu phụ, đậu lăng hay hạt đỗ và cho ít sữa hơn vào cà phê. Chỉ với những thay đổi đơn giản này, bạn có thể giảm đáng kể các tác động đến môi trường. Ví dụ, người ăn theo chế độ của người Mỹ có thể giảm bớt gần một nửa tác động môi trường bằng việc ăn ít đi một nửa lượng thịt, sản phẩm từ sữa, cá và trứng [8].

Nghiên cứu của WRI cho thấy, nếu hôm nay có 2 tỷ người tiêu dùng thịt và sản phẩm từ sữa quyết định giảm khẩu phần của họ, 640 triệu ha đất nông nghiệp sẽ được giải phóng. Con số này tương đương với diện tích của Ấn Độ. Tất cả chúng ta đều có thể tham gia và tạo nên sự khác biệt. Mọi bữa ăn đều có giá trị! Nếu mỗi người tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn nói trên, điều này thực sự có thể thay đổi cả hành tinh và nhân loại.


hình chụp © CIAT

[1] Nguyễn Văn Phương, Trần Hữu Cường và Mergenthaler (2014). Tác động của các biến kinh tế xã hội và nhân khẩu học lên tiêu dùng thịt ở Việt Nam (Effects of Socio-economic and Demographic Variables on Meat Consumption in Vietnam). Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn châu Á (Asian Journal of Agriculture and Rural Development, 4(1), pp. 7-22) [http://ageconsearch.umn.edu/bitstream/198325/2/2-388-AJARD-4(1)2014-7-22.pdf]

[2] Xem chú thích [1]

[3] Tiếng nói Việt Nam (The Voice of Vietnam). Việt Nam xem xét sự tăng trưởng bền vững của ngành chăn nuôi, 10/5/2016 (Vietnam eyes sustainable growth of cattle industry, 10 May 2016) [http://english.vov.vn/trade/vietnam-eyes-sustainable-growth-of-cattle-industry-319334.vov]

[4] Nguyễn Văn Phương, Trần Hữu Cường và Mergenthaler (2014)

[5] Damian Carrington. Theo các chuyên gia, không sử dụng thịt bò sẽ làm giảm lượng khí carbon nhiều hợn ô tô (Giving up beef will reduce carbon footprint more than cars, says expert). 21/7/2014. The Guardian [http://www.theguardian.com/environment/2014/jul/21/giving-up-beef-reduce-carbon-footprint-more-than-cars]

[6] Đại học Công nghệ Chalmers (Chalmers University of Technology). Trứng và thịt gà thay thế thịt bò sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho khí hậu (Eggs and chicken instead of beef reap major climate gains). 01/4/2015 [http://www.mynewsdesk.com/uk/chalmers/pressreleases/eggs-and-chicken-instead-of-beef-reap-major-climate-gains-1137457].

[7] Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute) (2016). Thay đổi Chế độ ăn vì Một tương lai Thực phẩm Bền vững (Shifting Diets for a Sustainable Food Future) [http://www.wri.org/publication/shifting-diets]

[8] Richard Waite. Tôi đã điều chỉnh chế độ ăn của mình như thế nào để làm giảm một nửa tác động đến môi trường (How I Tweaked My Diet to Cut its Environmental Footprint in Half). 20/4/2016. Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute) [http://www.wri.org/blog/2016/04/how-i-tweaked-my-diet-cut-its-environmental-footprint-half]