Phát triển mô hình sản xuất lúa gạo bền vững tại Đồng Tháp

Phát triển mô hình sản xuất lúa gạo bền vững tại Đồng Tháp

24/09/2022

Ngày 24/09/2022, Rikolto phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện Dự án Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm cho nông hộ nhỏ tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018-2021 và triển khai nhân rộng Dự án giai đoạn 2022-2026”. Sau 4 năm triển khai, Dự án đã đem lại những lợi ích thiết thực cho nông dân và các Hợp tác xã (HTX) như giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi nhuận, đảm bảo sức khỏe cho nông dân, và bảo vệ môi trường.

Tham gia Hội nghị có sự có mặt của đại diện Rikolto, Chi cục PTNT Đồng Tháp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch nông thôn (Trung tâm DVNN và NSNT), Phòng Phát triển nông thôn cấp huyện và 17 Hợp tác xã (HTX) tham gia Dự án.

Dự án “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm cho nông hộ nhỏ tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018-2021” do Rikolto phối hợp với Chi cục PTNT triển khai tại tỉnh Đồng Tháp. Mục tiêu của Dự án là nhằm thúc đẩy các tổ chức nông dân tại Đồng Tháp tiếp cận các mối quan hệ kinh doanh bao trùm trong chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, nâng cao năng lực sản xuất lúa bền vững cho các thành viên trong các HTX tham gia vào chuỗi giá trị, thử nghiệm áp dụng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm có sự tham gia (PGS) cũng như cơ chế đảm bảo lúa được sản xuất theo tiêu chuẩn Diễn đàn Lúa Bền vững (SRP).

Phát triển mô hình, kết nối tiêu thụ

Trong giai đoạn 1 (2018-2021), mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP đã được triển khai, áp dụng tại 9 HTX tại 4 huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò và Tháp Mười, với sự tham gia của 1000 nông dân trên tổng diện tích trên 2.500 hecta. Toàn bộ số nông dân tham gia đều được tập huấn về sản xuất gạo theo tiêu chuẩn SPR, được hỗ trợ các dụng cụ bảo hộ lao động, bể chứa xử lý rác thải, và tham quan, học tập kinh nghiệm giữa các HTX. Dự án cũng đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ tại 02 HTX là HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình. Qua liên kết tiêu thụ, sản phẩm làm ra luôn được tiêu thụ ổn định, giá lúa các vụ đều được thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 100 đồng/kg lúa.

Thay đổi tập quán canh tác sản xuất theo hướng an toàn, bền vững

Áp dụng mô hình SPR, nông dân tiết kiệm được tổng chi phí đầu vào (bao gồm lúa giống, phân bón, thuốc BVTV, công lao động) bình quân là 3.723.000 đồng/ ha do giảm lượng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và công lao động.

Đồng thời, áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững cũng giúp người dân nâng cao ý thức về bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng và chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm. Nhờ việc kiểm soát chặt chẽ lượng phân bón và thuốc BVTV, hệ sinh thái đồng ruộng cũng được phục hồi, hiện tượng đốt rơm rạ cũng giảm đáng kể, góp phần giảm lượng khí carbon.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Chi cục PTNT và các HTX đã cùng nhau trao đổi về những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai mô hình. Do e ngại trong việc áp dụng các tiêu chí trong sản xuất, một số nông dân chưa tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, một số chưa hiểu rõ và thực hiện chưa đạt tiêu chuẩn của mô hình. Đồng thời, việc thu gom, xử lý rác thải, thuốc BVTV sau khi sử dụng còn nhiều hạn chế. Bước đầu tham gia mô hình, hầu hết các HTX mới đều bày tỏ sự vui mừng trước những lợi ích của SRP và cam kết sẽ tham gia Dự án ở giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, các HTX cũng quan tâm đến vấn đề kết nối thị trường, doanh nghiệp và việc chứng nhận SPR. Theo ông Trần Văn Nhãn, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN và NSNT Đồng Tháp, các HTX cần tăng cường cơ giới hóa, và đề xuất một số giải pháp trong xử lý rơm rạ, và kết nối thị trường. “Dự án cần lựa chọn các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tốt cho nông dân để liên kết, thúc đẩy chuỗi giá trị tại địa phương”.

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp lúa gạo bền vững

Về phương hướng trong giai đoạn 2022-2026, ông Nguyễn Thế Mạnh, Quản lý chương trình lúa gạo của Rikolto tại Việt Nam, Giám đốc chương trình lúa gạo của Rikolto tại khu vực Đông Nam Á cho biết trong thời gian tới, dự án dự kiến sẽ mở rộng đến khoảng 15 HTX. Đến cuối năm 2026 Dư án dự kiến sẽ có khoảng 5.000 hộ tham gia. Để tiến đến bước xa hơn, Rikolto sẽ hỗ trợ các HTX đạt chứng nhận SRP và tín chỉ carbon, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và mở ra thị trường tiềm năng cho nông dân sản xuất lúa gạo bền vững. Để làm được điều đó, Rikolto mong muốn phối hợp chặt chẽ với Chi cục PTNT Đồng Tháp, các HTX và các cơ quan ban ngành liên quan để tạo thành mạng lưới kết nối chặt chẽ mà ở đó vai trò của HTX là cầu nối thúc đẩy nông dân thực hiện Dự án, song song với đó, Dự án sẽ thúc đẩy sự đóng góp của các đơn vị tiêu thụ như các công ty, HTX, xây dựng thị trường mới cho lúa gạo bền vững trong tương lại.

“Mục tiêu lớn nhất của Dự án là làm sao mọi người dân Việt Nam đều được tiếp cận với gạo an toàn”, ông Mạnh chia sẻ.

Tìm hiểu thêm về SRP

Diễn đàn Lúa gạo Bền vững (SRP) là một diễn đàn đa phương được thành lập vào tháng 12/ 2011. Diễn đàn SRP được đồng sáng lập bởi Tổ chức vì Môi Trường của Liên hợp quốc UN Environment và IRRI (Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế) nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên trong các kênh thương mại, hoạt động sản xuất tiêu thụ, và các chuỗi cung ứng trong ngành gạo toàn cầu. (Nguồn: http://www.sustainablerice.org)