Hội thảo Cracking the Nut tại Thái Lan: cách tiếp cận mới của chúng tôi – Thành phố Thực phẩm Thông minh

Hội thảo Cracking the Nut tại Thái Lan: cách tiếp cận mới của chúng tôi – Thành phố Thực phẩm Thông minh

20/04/2017
Nataly Pinto Alvaro
Nataly Pinto Alvaro
Consultora externa | Ecuador

Trong hai ngày 27-28/3/2017, VECO đã trình bày ý tưởng về Thành phố Thực phẩm Thông minh tại Hội nghị Cracking the Nut ở Băng-cốc, Thái Lan. Hội nghị tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến củng cố hệ thống thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của các đô thị.

Làm thế nào để tăng cường kết nối giữa các khu vực từ nông thôn đến thành thị trong chuỗi giá trị thực phẩm? Đó là câu câu hỏi trọng tâm xuyên suốt Hội nghị Cracking the Nut. Bằng cách giới thiệu những sáng kiến khác nhau của các thành phố Đà Nẵng (Việt Nam), Tegucigalpa (Ôn-đu-rát), Ghent (Bỉ), Solo (In-đô-nê-xi-a) và Ki-tô (Ê-cu-a-đo), VECO đã làm nổi bật tầm quan trọng của các chính sách thực phẩm đô thị và liên kết nông thôn thành thị bền vững.

Một ví dụ là Thành phố Ki-tô với 2,5 triệu người sinh sống. Vào năm 2002, chính quyền thành phố đã khởi động chương trình “AGRUPAR” – Nông nghiệp Thành thị Có sự tham gia (Participatory Urban Agriculture). Mục đích của chương trình này là cải thiện an ninh lương thực cho những cư dân dễ bị tổn thương, tạo thu nhập từ việc bán thực phẩm thừa và nâng cao khả năng thích ứng. Đến nay, đã có 2.700 vườn rau trong khu vực nội đô, ven đô cũng như khu vực nông thôn của Ki-tô và 500.000 người được hưởng lợi từ chương trình.

Thành phố Ghent cũng đã ra mắt chính sách “Gent en Garde” vào năm 2013. Đây là chính sách thực phẩm bao gồm năm mục tiêu chiến lược nhằm mở đường cho một hệ thống thực phẩm bền vững. Hiện tại, thành phố đã phát động chiến dịch “Ngày thứ Năm của rau” (“Thursday veggie day”) và triển khai các hoạt động tăng cường tính bền vững trong việc cung cấp thực phẩm cho trường học, khuyến khích tiêu dùng thực phẩm sản xuất bởi nông dân địa phương. Thêm vào đó, Ghent có kế hoạch giảm được 100 tấn thực phẩm thừa và cắt giảm 250 tấn CO2 thải ra môi trường thông qua FOOD SAVERS. Đây là một diễn đàn giúp phát hiện thực phẩm dư thừa nhằm tái tạo và tái phân phối chúng đến các tổ chức xã hội và tổ chức phi lợi nhuận.

Thành phố Đà Nẵng tiếp nhận 2-3 triệu khách du lịch mỗi năm và chính quyền thành phố đã tạo ra một ứng dụng giúp du khách có được thông tin về các cửa hàng thực phẩm an toàn.

Mạng lưới Thành phố Thực phẩm Thông minh là quan hệ đối tác bao gồm các thành phố, các mạng lưới và văn phòng khu vực của VECO như RUAF Foundation (Tổ chức hợp tác toàn cầu về Hệ thống Nông nghiệp và Thực phẩm Đô thị) và RIMISP (Trung tâm Phát triển Nông thôn Mỹ La-tinh). Tại Hội nghị Cracking the Nut, các văn phòng VECO Bỉ, VECO Andino, VECO Indonesia và VECO Việt Nam đã góp mặt cùng đại biểu của chính quyền thành phố Solo (Indonesia) và Đà Nẵng (Việt Nam).

Tham gia hội nghị, chúng tôi đã giới thiệu và trình bày về Mạng lưới trong giai đoạn mới được hình thành khi chúng tôi đang xây dựng mối quan hệ với một số thành phố và tìm kiếm những điểm kết nối để học tập, trao đổi kinh nghiệm. Tương tự, nhiều tổ chức quốc tế khác đã bày tỏ sự quan tâm và muốn xây dựng các hành động phối hợp dựa trên chuyên môn của họ và nhu cầu của các Thành phố Thực phẩm Thông minh. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới các bạn thông tin về những hoạt động mới nhất!