Học hỏi từ Hiệp hội Làm vườn của Tanzania – Một tổ chức vì nông dân và các tác nhân trong chuỗi

Học hỏi từ Hiệp hội Làm vườn của Tanzania – Một tổ chức vì nông dân và các tác nhân trong chuỗi

25/01/2017
Charlotte Flechet
Charlotte Flechet
Good Food For Cities programme director

Tháng 11/2016, các cán bộ truyền thông của 8 văn phòng VECO khu vực đã gặp mặt ở Arusha, Tanzania trong hội thảo truyền thông quốc tế đầu tiên của VECO. Sứ mệnh của chúng tôi là thảo luận về sự hợp tác nội bộ trong tương lai dưới cơ cấu tổ chức mới (xem bài “VECO trên hành trình chuyển đổi: từ tổ chức phi chính phủ của Bỉ thành mạng lưới tổ chức quốc tế” để hiểu thêm về quá trình chuyển đổi). Trong 10 ngày diễn ra hội thảo, chúng tôi có 2 ngày để tham gia “Chuyến đi Học hỏi” nhằm khám phá một số dự án trước đây và hiện tại hướng đến hỗ trợ nông dân xây dựng một hệ thống thực phẩm bền vững và thân thiện hơn ở khu vực.

Tôi đã rất may mắn được ghé thăm các dự án quanh Arusha của VECO Đông Phi. Những dự án này tập trung vào tăng cường chuỗi giá trị rau từ đồng ruộng đến bàn ăn. Nhiều năm qua, VECO Đông Phi đã giúp nông dân củng cố năng lực kinh doanh, từ đó trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người mua và các công ty xuất khẩu. Những kết quả thành công của chương trình này đã được nhắc đến rộng rãi (xem trang dự án: fruit and vegetables in Arumeru). Vì vậy, bài viết này sẽ đề cập đến một trong những đối tác chiến lược của VECO: Hiệp hội Làm vườn Tanzania – TAHA.

Tận dụng sức mạnh của mạng lưới

Thành lập vào năm 2004, TAHA là một tổ chức kinh doanh gồm nhiều thành viên, đại diện cho tất cả các tác nhân trong ngành làm vườn của Tanzania bao gồm nhà sản xuất, thương nhân, nhà xuất khẩu và công ty chế biến. Do đó, Hiệp hội là sự kết hợp của các cá nhân, nhóm và tổ chức hoạt động trong chuỗi rau, củ, hoa, quả, gia vị, thảo mộc, hạt giống và khoai. Tầm nhìn của tổ chức là "một ngành công nghiệp làm vườn sôi động, giàu có và bền vững ở Tanzania."

TAHA có ba mục tiêu chính: Một là, vận động xây dựng một môi trường thuận lợi cho ngành làm vườn trên khía cạnh thuế, chính sách và khuôn khổ pháp lý chung. Tổ chức là cầu nối giữa các thành viên và chính quyền, cũng như với các tổ chức tài chính mà TAHA hy vọng sẽ giúp họ phát triển các dịch vụ phù hợp với ngành làm vườn. Thứ hai, TAHA hỗ trợ kỹ thuật cho các nông hộ nhỏ và tác nhân trong chuỗi giá trị để đảm bảo họ có đủ năng lực áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt và công nghệ đổi mới. Thứ ba, TAHA giúp các thành viên tìm kiếm những thị trường tiềm năng cho sản phẩm của họ và thúc đẩy quá trình giao thương. Chẳng hạn, Hiệp hội đã xây dựng một hệ thống trực tuyến cung cấp thông tin về giá làm vườn và thông tin liên hệ của người mua ở 16 thị trường chính gần Tanzania, và thậm chí cả Kenya. Tất cả mọi người, bất kể có phải thành viên hay không, đều có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ này qua điện thoại di động.

Với mạng lưới rộng khắp đại diện cho nhiều tác nhân trong ngành làm vườn, TAHA đã kết nối được với các nhà hoạch định chính sách. Sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề tác động đến nông dân, người chế biến và thương nhân đã giúp TAHA thường xuyên được Nghị viện liên lạc để trao đổi kiến thức trong các buổi tọa đàm.

Hỗ trợ một môi trường thuận lợi cho nông dân

Nhờ có TAHA, tiếng nói của nông dân đã vươn đến chính quyền cấp cao nhất, đây là một điều ngoài sức tưởng tượng khi không có mặt tổ chức. Một trong những đặc điểm của TAHA là tổ chức đại diện cho nông dân ở khắp đất nước bất kể quy mô của họ. Trên website của mình, TAHA nhấn mạnh: “Ngành làm vườn phụ thuộc chủ yếu vào nông hộ nhỏ; hoa quả và trái cây xuất khẩu phụ thuộc 70% vào những nông dân có dưới 2 ha đất canh tác.” [1]

Ngành làm vườn phụ thuộc chủ yếu vào nông hộ nhỏ, hoa quả và trái cây xuất khẩu phụ thuộc 70% vào những nông dân có dưới 2 ha đất canh tác

Jacqueline Mkindi Giám đốc điều hành

Nhờ vận động chính sách hiệu quả, Hiệp hội đã đạt được nhiều thành tựu lớn …

Một trong số đó là việc đưa các thiết bị nông nghiệp vào danh sách miễn trừ thuế giá trị gia tăng. Năm 2014, khi chính phủ Tanzania xem xét lại luật thuế giá trị gia tăng, gần như tất cả các thiết bị nông nghiệp hiện đại đều bị loại khỏi danh sách miễn trừ. Sau khi bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với sự bất hợp lý của quyết định, cuối cùng TAHA đã thuyết phục được chính phủ đưa trở lại các thiết bị này, ví dụ bộ dụng cụ tưới nhỏ giọt và nhà kính, vào danh mục. Với mức thuế quy định ở mức 18%, tác động tích cực của bộ luật lên những nông hộ nhỏ là rất rõ ràng.

Trong năm tới, TAHA dự định hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tổ chức có kế hoạch thiết kế một lộ trình, từ đó đưa đến một báo cáo tóm tắt các can thiệp chính để đẩy mạnh an toàn thực phẩm. Với danh tiếng là một đối tác đáng tin cậy và hiểu biết, TAHA muốn trình bày đề xuất của mình trực tiếp với tổng thống – cấp chính trị cao nhất!

Nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác

Ví dụ về TAHA cho thấy những kết lớn vì sự an toàn và bền vững của hệ thống thực phẩm có thể đạt được khi các tác nhân trong chuỗi giá trị cùng gặp gỡ và bảo vệ một quan điểm rõ ràng.

VECO Đông Phi và TAHA đã trở thành đối tác từ năm 2014. Trong khuôn khổ chương trình làm việc của mình, VECO đang hỗ trợ TAHA vận động chính phủ cải thiện hạ tầng đường xá và tạo một khung làm việc tin cậy cho nông hộ nhỏ. Trong tương lai, cả hai tổ chức có kế hoạch phối hợp với sáng kiến Chuỗi Thực phẩm An toàn cho Arusha, tham gia vào lực lượng của họ để tạo ra nhiều cơ hội cho sản xuất thực phẩm an toàn.

Làm việc ở một đất nước có tiếng nói của nông hộ nhỏ khó vươn đến cấp chính quyền cao nhất, tôi thấy những thành công của TAHA rất đáng để học hỏi. Chuyến đi này mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích. Không chỉ với các cán bộ truyền thông khác, mà cả những đối tác quan tâm đến cách VECO toàn cầu đang giải quyết vấn đề. Trở về Hà Nội, văn phòng của chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với phương châm mang lại cơ hội tốt hơn cho nông dân. Cụ thể, chúng tôi muốn nhân rộng và củng cố những hoạt động trong dự án hiện tại về Hệ thống Cùng Tham gia Đảm bảo Chất lượng Sản phẩm rau an toàn. Chúng tôi tin rằng, đây là việc cần làm để đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho các thành phố ở Việt Nam, cũng như trao quyền cho nông dân và người tiêu dùng. Cuối cùng, những ví dụ của TAHA đã truyền cảm hứng cho chúng tôi cụ thể hóa ý tưởng mà chúng tôi đã có từ lâu: tập hợp tất cả các tác nhân xuyên suốt chuỗi giá trị rau trong một diễn đàn chính sách với tầm nhìn tạo ra các kiến nghị vững chắc về kiến tạo một môi trường tốt hơn cho sản xuất và tiêu dùng rau an toàn.


[1] http://www.fao.org/fileadmin/templates/agphome/documents/horticulture/WHO/arusha/Tanzania_TAHA.pdf