Hành trình đến với canh tác hữu cơ PGS: Câu chuyện của Trác Văn

Hành trình đến với canh tác hữu cơ PGS: Câu chuyện của Trác Văn

17/10/2016
Charlotte Flechet
Charlotte Flechet
Good Food For Cities programme director

Từ tháng 4/2015 đến tháng 6/2016, VECO Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Duy Tiên triển khai dự án “Nhân rộng mô hình PGS trong nông hộ nhỏ, người tiêu dùng và tác nhân tư nhân ở Việt Nam” tại tỉnh Hà Nam. Dự án được tài trợ bởi Both Ends và 11.11.11 nhằm thiết lập Hệ thống Cùng tham gia Đảm bảo Chất lượng Sản phẩm (Participatory Guarantee System – PGS) cho rau hữu cơ, và nhằm củng cố Tổ hợp tác Rau hữu cơ Trác Văn, lúc này đang là một tổ chức nông dân mới được thành lập, để kết nối nông dân với thị trường một cách hiệu quả hơn.

Hành trình đến với sự tự chủ

Trong 14 tháng nhận hỗ trợ từ dự án, nông dân được đào tạo để nâng cao các kỹ năng kinh doanh, kỹ năng tổ chức và sản xuất hữu cơ. Họ được tập huấn cách lập kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu của người mua ở Hà Nội, cách ghi nhật ký đồng ruộng, và giờ đây nhóm nông dân đã có thể thực hiện phân tích chi phí – lợi nhuận. Tổ hợp tác đã giảm được sự phụ thuộc bằng cách ký hợp đồng cung ứng với năm nhà bán lẻ khác nhau, thay vì duy nhất một nhà bán lẻ thời điểm cuối năm 2015. Tổ hợp tác dần tự tin hơn trong các hoạt động tổ chức nhóm, quảng bá sản phẩm và vận hành hệ thống PGS một cách tự chủ. Nhằm nâng cao khả năng thích ứng, nhóm nông dân đã thành lập một quỹ chung để huy động vốn và các nguồn lực khác từ thành viên, hướng tới tăng cường phát triển sản xuất rau hữu cơ thông qua việc mua hạt giống, phân hữu cơ và thiết bị canh tác.

Chị Tuyết, tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ: “Bà con nông dân mạnh dạn hơn trong giao tiếp, nắm vững các kỹ thuật sản xuất, thâm canh phòng trừ sâu bệnh hại, sản xuất cây trái vụ, biết lập thành thạo các kế hoạch sản xuất.” Nhờ có các lớp tập huấn kỹ thuật về xen canh, trồng rau trái vụ và quản lý sâu bệnh tổng hợp, sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 24 tấn, tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2015 (14 tấn).

Bà con nông dân mạnh dạn hơn trong giao tiếp, nắm vững các kỹ thuật sản xuất, thâm canh phòng trừ sâu bệnh hại, sản xuất cây trái vụ, biết lập thành thạo các kế hoạch sản xuất.

Chị Đỗ Thị Tuyết, tổ trưởng Tổ hợp tác

Mở rộng diện tích canh tác

Được cổ vũ bởi thành công của vùng sản xuất thí điểm, mới đây, 7 nông dân đã xin gia nhập Tổ hợp tác (trước đây có 19 thành viên), nâng tổng số nhóm nhỏ từ 2 lên 4 nhóm. Hai nhóm cũ đã đạt chứng nhận PGS cho rau hữu cơ, trong khi hai nhóm mới vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi. Dưới sự kèm cặp của những nông dân có kinh nghiệm, họ hy vọng sẽ đạt được chứng nhận PGS trong vòng một năm và có thể bắt đầu bán rau cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội. Diện tích canh tác được được kỳ vọng mở rộng từ 1 ha lên 3 ha trong một năm. Hiện tại, khoảng 90% sản lượng được bán cho người mua ở Hà Nội và 10% còn lại được tiêu thụ tại Hà Nam.

Sinh kế tốt hơn cho nông dân Trác Văn

Thu nhập của nông dân đã tăng lên đáng kể từ khi bắt đầu dự án. Trong 6 tháng cuối năm 2013, doanh thu từ rau hữu cơ đạt khoảng 60 triệu đồng/ha (xấp xỉ 2400 euro). Nửa đầu năm 2016, con số này đã lên đến 360 triệu đồng/ha (xấp xỉ 14.400 euro), đây là một sự gia tăng ấn tượng! Trung bình, nông dân có thể bán rau hữu cơ PGS ở mức giá cao hơn khoảng 150%-200% giá của rau thường.

Thêm vào đó, nhờ có phương pháp canh tác hữu cơ, nhóm nông dân đã có thể làm việc trong môi trường an toàn, không có hóa chất, từ đó giúp nâng cao sức khỏe của họ. Nông dân Trác Văn đang tự làm phân hữu cơ và thuốc trừ sâu thảo mộc, đồng thời áp dụng phương pháp nhổ cỏ bằng tay, do đó tránh được các tác động tiêu cực lên sức khỏe và môi trường do hóa chất độc hại. Khi cần thiết, họ có thể mua phân chuồng từ trang trại gà gần đó.

Truy cập trang chủ của chúng tôi để tìm hiểu thêm về các hoạt động của VECO Việt Nam trong ngành rau an toàn và hữu cơ

Tìm hiểu dự án của chúng tôi

Thu hút sự quan tâm từ chính quyền và người mua

Tổ hợp tác Rau hữu cơ Trác Văn được nhiều tác nhân biết đến trong khu vực. Nhờ các chuyến thăm quan học hỏi và tham gia vào các hội chợ khác nhau, Tổ hợp tác đã thiết lập được mối quan hệ với các tổ chức nông dân khác và nhiều người mua tiềm năng. Một số hoạt động của dự án tập trung vào việc nâng cao nhận thức về độ tin cậy của rau hữu cơ PGS và đưa PGS đến gần hơn với người tiêu dùng, người bán lẻ, cơ quan chính quyền trong tỉnh Hà Nam.

Tổ hợp tác thu hút được nhiều sự chú ý từ chính quyền địa phương. Sở NN&PTNT Hà Nam đã đề nghị kết nối nhóm nông dân với người mua trong tỉnh. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản cũng cam kết giúp đỡ Tổ hợp tác gửi mẫu rau đi xét nghiệm và hỗ trợ họ đạt được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để cung ứng rau cho khách sạn và các công ty lớn. Một trong những bài học chính rút ra từ dự án là nếu không có hỗ trợ từ chính quyền thì sẽ khó đảm bảo tính bền vững của hệ thống PGS và sản xuất hữu cơ.

Chúng ta kỳ vọng điều gì cho tương lai?

Mặc dù các can thiệp của VECO đã kết thúc vào tháng 6 nhưng hơn bao giờ hết, nhóm nông dân vẫn quyết tâm tiếp tục hành trình PGS của mình. Trong tương lai gần, họ hy vọng sẽ mở rộng diện tích sản xuất, trước tiên là lên 5 ha, tiếp đó là 10 ha, và thu hút được nhiều nông dân khác gia nhập nhóm. Tổ hợp tác cũng mong muốn xây dựng năng lực để điều phối và thúc đẩy sản xuất, marketing và bán sản phẩm của các thành viên. Cuối cùng, nhóm hy vọng sẽ thiết lập quan hệ đối tác với nhiều người mua quy mô lớn hơn, và có thể đáp ứng yêu cầu của họ.

Hệ thống PGS ở Trác Văn vẫn đang trong giai đoạn sơ khai nhưng đã cho thấy nhiều kết quả đáng khích lệ. Những kinh nghiệm từ dự án thí điểm ở Trác Văn đã cung cấp những bằng chứng chứng minh rằng, áp dụng PGS là một cách hiệu quả để cải thiện sinh kế cho nông dân thông qua nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và tính bền vững môi trường nhằm cung ứng thực phẩm hữu cơ cho thành phố, vì lợi ích của người tiêu dùng. Trong tương lai, VECO và các đối tác sẽ cùng hợp tác để vận động chính quyền thể chế hóa và công nhận PGS là một cơ chế đảm bảo chất lượng hiệu quả và đáng tin cậy, với mong đợi thúc đẩy việc mở rộng và nhân rộng mô hình thành công ở các tỉnh khác trong cả nước.


Để biết thêm thông tin về hoạt động của VECO trong ngành rau an toàn và hữu cơ, xin vui lòng liên hệ chị Phan Thị Kim Nhung qua email nhung [at] veco.org.vn.