Gây dựng niềm tin trong chuỗi thực phẩm: làm thế nào để tạo ra một sân chơi công bằng cho nông hộ nhỏ?

Gây dựng niềm tin trong chuỗi thực phẩm: làm thế nào để tạo ra một sân chơi công bằng cho nông hộ nhỏ?

20/07/2017
Charlotte Flechet
Charlotte Flechet
Good Food For Cities programme director

Làm thế nào để nhân rộng các sáng kiến giúp xây dựng lòng tin giữa các tác nhân trong chuỗi thực phẩm, đồng thời đảm bảo có sự tham gia của nông hộ nhỏ? Bài viết này chia sẻ một số kết quả của hội thảo “Tăng niềm tin vào mạng lưới cung ứng thực phẩm an toàn trong sản xuất quy mô nhỏ”. Tại hội thảo, VECO cùng các đối tác đã chia sẻ một số kinh nghiệm khi triển khai Hệ thống Cùng tham gia Đảm bảo Chất lượng Sản phẩm (Participatory Guarantee Systems – PGS).

Ngày 4/7/2017, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và trường Đại học Y tế Công cộng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng niềm tin vào mạng lưới cung ứng thực phẩm an toàn trong sản xuất quy mô nhỏ”.

Đây là một chủ đề sát với mục tiêu của VECO khi một trong những sáng kiến hàng đầu của chúng tôi là thúc đẩy Hệ thống Cùng tham gia Đảm bảo Chất lượng Sản phẩm (Participatory Guarantee Systems – PGS) áp dụng cho rau an toàn. Đây là một công cụ giúp xây dựng lòng tin giữa các tác nhân trong chuỗi thực phẩm và giúp người nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường thực phẩm an toàn.

Những vấn đề chính được đưa ra trong các cuộc thảo luận của hội thảo là truy xuất nguồn gốc, trao đổi thông tin, truyền thông rủi ro và vai trò của từng tác nhân, từ người sản xuất đến người tiêu dùng trong việc xây dựng những mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Còn hơn cả thúc đẩy mối quan hệ gắn bó và và sự hợp lực giữa các tác nhân hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm an toàn, hội thảo hướng tới thúc đẩy các sáng kiến hiện tại nhằm thúc đẩy các mạng lưới thực phẩm đáng tin cậy và đưa ra khuyến nghị để nhân rộng. Nhưng trước khi trình bày các giải pháp chính được nêu ra trong hội thảo, chúng tôi muốn tóm lược một số thực trạng tại Việt Nam.

Sản xuất, quảng bá và tiêu dùng thực phẩm an toàn: chúng ta đang ở đâu?

Ở Việt Nam, khoảng 70% người sản xuất là nông hộ nhỏ và hơn 90% lượng thực phẩm được sản xuất bởi nông hộ nhỏ. Họ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như thiếu đất đai, cơ sở vật chất nghèo nàn, khó tiếp cận được khoa học & công nghệ, kết nối lỏng lẻo với thị trường cung ứng đầu ra và thị trường tiêu thụ, thiếu thông tin thị trường, khó tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ, và chi phí giao dịch tương đối cao (theo Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn – IPSARD). Các siêu thị thường do dự khi làm việc cùng nông hộ nhỏ vì nguồn cung của họ không ổn định, giá thành nông sản cao và khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm còn kém.

Hiện tại, chợ truyền thống chiếm lĩnh khoảng 94% doanh số nông sản, 6% đến từ thị trường bán lẻ hiện đại. Con số này cao hơn nhiều ở các thành phố và được kỳ vọng sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2025 nhờ sự gia tăng của tầng lớp có thu nhập trung bình, quá trình đô thị hóa và những người trẻ quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm (IPSARD). Năm 2014, chỉ khoảng 3,2% lượng rau tiêu thụ ở Hà Nội là rau an toàn (theo Wertheim-Heck và cộng sự); ở nhiều tỉnh thành khác, rau thông thường được bán dưới mác rau an toàn vẫn là một vấn đề nhức nhối. Trong khi Việt Nam đang hướng đến một hệ thống phân phối mà nhà bán lẻ đang dần chiếm ưu thế, hàng trăm nghìn người tiêu dùng đã tự lập ra các nhóm trên Facebook để tự tìm mua rau và các sản phẩm an toàn khác (theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc – UNIDO).

Trong một khảo sát ở Hà Nội vào tháng 7/2016, chúng tôi thấy rằng 97,5% người được hỏi cảm thấy lo lắng (30%) hoặc rất lo lắng (67,5%) về an toàn thực phẩm. 1/3 số người được hỏi không bao giờ hoặc hiếm khi mua rau an toàn và 28% trồng rau an toàn hay hữu cơ tại nhà. Thiếu niềm tin và giá thành cao là những rào cản chính khiến người tiêu dùng còn e dè khi mua rau an toàn. Trong khi đó, 50% người được hỏi cho biết họ không tin vào các chứng nhận an toàn thực phẩm; chỉ 2% thực sự tin tưởng những chứng nhận này.

Tình trạng khan hiếm thực phẩm đôi khi do các tác nhân cạnh tranh trên thị trường gây ra. Nó có thể ảnh hưởng đến văn hóa, nhận dạng và sinh kế của hàng triệu con người trong khi thực phẩm không thực sự an toàn hơn.

Bà Jehanne Roccas Đại sứ Bỉ tại Việt Nam

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) “Vietnam Food Safety Risks Management: Challenges and Opportunities” (Quản lý Rủi ro An toàn Thực phẩm: Thách thức và cơ hội) được công bố đầu năm nay đã chỉ ra những thách thức chính về an toàn thực phẩm mà Việt Nam đang đối mặt và đề xuất một số giải pháp chính sách rõ ràng. Theo đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm có tồn tại nhưng chưa đến mức khủng hoảng như người dân vẫn nhận thức hay như các thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người tiêu dùng thường có xu hướng lo ngại về nguy cơ nhiễm hóa chất hơn là nhiễm khuẩn, tuy nhiên theo báo cáo, nhiễm khuẩn lại là vấn đề nghiêm trọng hơn. Bà Jehanne Roccas, đại sứ Bỉ, phát biểu khi khai mạc hội thảo “Tình trạng khan hiếm thực phẩm đôi khi do các tác nhân cạnh tranh trên thị trường gây ra. Nó có thể ảnh hưởng đến văn hóa, nhận dạng và sinh kế của hàng triệu con người trong khi thực phẩm không thực sự an toàn hơn.

Báo cáo đề xuất cần thông qua các biện pháp an toàn thực phẩm nâng cao “có tác động tối thiểu hoặc không tác động đến văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam.” Báo cáo cũng đưa ra giải pháp phối hợp với người tiêu dùng để khuyến khích người sản xuất áp dụng các thực hành tốt hơn và phát triển cách tiếp cận ‘từ trang trại đến đôi đũa’ nhằm nâng cao năng lực cho tất cả các tác nhân an toàn thực phẩm. Cũng theo báo cáo, các chứng nhận và tiêu chuẩn truyền thống có chi phí quá cao đối với nông hộ quy mô nhỏ và khẳng định rằng, các chính sách và hành động trong tương lai cần phải công nhận vai trò của sản xuất quy mô nhỏ cũng như truy xuất nguồn gốc.

Tóm lại, niềm tin chưa cao của người tiêu dùng vào hệ thống thực phẩm và những khó khăn mà nông hộ nhỏ gặp phải khi tuân thủ các yêu cầu của thị trường thực phẩm an toàn là những thách thức chính cần được giải quyết nhằm ‘phổ cập’ thực phẩm an toàn đáng tin cậy.

Việc nhà sản xuất, nhà chế biến và nhà bán lẻ áp dụng những can thiệp an toàn thực phẩm nâng cao sẽ có tác động tối thiểu hoặc không tác động đến văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam.”

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới “Quản lý Rủi ro An toàn Thực phẩm: Thách thức và cơ hội”

Trao quyền cho người tiêu dùng và nông dân thông qua mạng lưới niềm tin được củng cố

Vậy làm thế nào để khôi phục lòng tin của người tiêu dùng vào hệ thống thực phẩm và hỗ trợ nông hộ nhỏ tham gia quá trình chuyển đổi sang sản xuất thực phẩm an toàn đáng tin cậy? Dưới đây là ba ý tưởng được đưa ra trong cuộc thảo luận.

Thứ nhất là, trao quyền cho nông hộ nhỏ. Việc này có thể thực hiện bằng cách củng cố và thành lập các tổ chức nông dân, hợp tác xã, hoặc mở rộng quy mô trang trại để giải quyết những thách thức trên. Một giải pháp khác là thiết lập Hệ thống Cùng tham gia Đảm bảo Chất lượng Sản phẩm (PGS) cho rau an toàn. PGS là một hệ thống chứng nhận đảm bảo chất lượng có sự tham gia của nhiều bên liên quan, chi phí hợp lý và dễ làm đối với nhóm nông dân để chất lượng nông sản của họ được công nhận. Hệ thống PGS bao gồm các quy trình kiểm soát nội bộ và thanh tra chéo giữa những nhóm nông dân và các cuộc thanh tra ngẫu nhiên tiến hành bởi ban điều phối PGS địa phương. Gần 10 năm qua, VECO đã hỗ trợ các tổ chức nông dân thiết lập hệ thống PGS và đạt được nhiều kết quả khả quan xét trên khía cạnh tiếp cận thị trường và cải thiện sinh kế: HTX Tứ Xã hiện tại đang cung ứng rau an toàn cho VinEco – thương hiệu rau của VinMart, và Tổ hợp tác Rau hữu cơ Trác Văn đang cung ứng cho chuỗi cửa hàng Rau Bác Tôm ở Hà Nội. PGS có quy định nghiêm ngặt về nhãn mác và truy xuất nguồn gốc, đồng thời với sự tham gia của người tiêu dùng vào quá trình đảm bảo chất lượng, hệ thống còn giúp tạo dựng lòng tin giữa người tiêu dùng, người mua và nhà sản xuất. Tham gia vào PGS, người tiêu dùng sẽ đồng cảm với người nông dân và hiểu rõ hơn hoàn cảnh của họ.

Hệ thống PGS giúp tạo dựng niềm tin giữa người sản xuất, người tiêu dùng và chính quyền địa phương

Bà Nhữ Thị Ngọc Anh Chi cục trưởng Chi cục Nông lâm sản và Thủy sản Phú Thọ

Thứ hai là, nâng cao truyền thông về an toàn thực phẩm. Tất cả các tác nhân, kể cả chính quyền, nên tránh tuyên truyền những nhận thức tiêu cực về an toàn thực phẩm, và những thông tin đưa ra cần được dựa trên bằng chứng đáng tin cậy. Người tiêu dùng cần được nâng cao nhận thức về các thực hành sản xuất an toàn tại nhà và những nguy cơ chính họ có thể gặp phải. Những thông tin này có thể khác với những thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Như đã đề cập trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, người tiêu dùng là nhân tố quan trọng để củng cố thị trường cho an toàn thực phẩm, do đó, truyền thông cần dẫn dắt quyết định của họ theo cách tích cực để khôi phục lòng tin. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ tịch CLB Phụ nữ với Tiêu dùng phát biểu “Người tiêu dùng cần thay đổi hành vi của họ. Chúng ta không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho người sản xuất.

Thứ ba là, khai thác tiềm năng của công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao sự minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc và chia sẻ thông tin. Một vài sáng kiến như hệ thống truy xuất điện tử của TraceVerified hay diễn đàn Safe & Organic Food Finder (Công cụ Tìm kiếm Thực phẩm An toàn và Hữu cơ) của VECO đang đi đúng hướng nhưng quy mô còn hạn chế ở giai đoạn này. Một diễn đàn trực tuyến độc lập kết nối người sản xuất và người mua là phương án có thể giúp tạo ra một sân chơi công bằng cho nông hộ nhỏ bằng cách làm giảm chi phí giao dịch và tăng cường truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao vị thế của họ trên thị trường thực phẩm an toàn. Thông qua việc thường xuyên cập nhật thông tin về nông trại, kết quả kiểm tra dư lượng chất hóa học, gia hạn chứng nhận và các sản phẩm được sản xuất, những diễn đàn này có thể giúp gây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng cũng như tạo ra cơ hội thị trường cho người nông dân. Những điều này chưa phải thực tế ở Việt Nam, nhưng sẽ ra sao nếu chúng thực sự diễn ra?

Bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt đồng thời vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm

Các lo ngại về an toàn thực phẩm không nên chỉ được coi là một xu thế, đây là quyền của mỗi người tiêu dùng. Ông Geert Vansintjan (Đại sứ quán Bỉ) phát biểu khi kết thúc hội thảo “Tin tưởng vào thực phẩm trên bàn ăn là quyền của bạn chứ không phải một điều xa xỉ”. Mặt khác, mỗi nông dân có sản phẩm tuân thủ với các tiêu chuẩn chất lượng cũng có quyền tham gia và hưởng lợi từ chuỗi giá trị. Ở VECO, chúng tôi tin rằng mọi giải pháp hướng tới tăng niềm tin và nâng cao an toàn thực phẩm cần được gắn chặt với nền ẩm thực đa dạng của Việt Nam, từ đó hình thành một phần không thể thiếu trong nhận dạng hình ảnh của đất nước. Do vậy, chúng ta phải tìm phương án đưa thực phẩm an toàn vào chợ truyền thống, đồng thời đảm bảo rằng nông hộ nhỏ có cơ hội trở thành một phần của giải pháp. Đó là lý do vì sao chúng tôi tin tưởng rằng nhân rộng mô hình PGS là một bước đi hợp lý hướng đến xây dựng chuỗi niềm tin khắp các tác nhân và tạo ra một sân chơi công bằng cho nông hộ nhỏ.