[ĐÃ KẾT THÚC] Hướng đến một hệ thống thực phẩm an toàn và bền vững tại Đà Nẵng
[ĐÃ KẾT THÚC] Hướng đến một hệ thống thực phẩm an toàn và bền vững tại Đà Nẵng
Trong những thập kỷ qua, dân số đô thị tại Việt Nam tiếp tục tăng, vượt trên 33 triệu người, chiếm gần 35% tổng dân số cả nước. So với năm 2000, chỉ có 25% số dân sống ở các thành phố. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất trong khu vực, với khoảng 94% diện tích đất xây dựng tăng lên thay thế đất canh tác.
Nằm trong mạng lưới các tỉnh, thành phát triển nhanh chóng của đất nước, Đà Nẵng nổi lên là một trong những thành phố có nền kinh tế năng động nhất Việt Nam. Đà Nẵng có truyền thống lãnh đạo mạnh mẽ và chủ động để có thể phát triển từ một thành phố nhỏ thành một trong bốn đô thị lớn của Việt Nam. Được biết đến với xu hướng kinh doanh, quản lý, hỗ trợ đổi mới và phát triển công nghệ, Đà Nẵng là một trong những thành phố tiềm năng nhất ở Việt Nam về an toàn thực phẩm và môi trường bền vững.
Rất nhiều minh chứng cho tiềm năng của Đà Nẵng trong việc mang thực phẩm an toàn đến với người dân. Năm 2015, Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt "Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn" với mục tiêu tăng gấp ba diện tích sản xuất rau an toàn vào năm 2020. Từ tháng 12/2016 đến tháng 7/2017, Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác với 3 tỉnh nhằm phát triển chuỗi thức ăn an toàn cung cấp cho thành phố. Năm 2016, Đà Nẵng đã thông qua quyết định yêu cầu tất cả các loại rau trước khi đưa vào thành phố phải báo cáo nguồn gốc rõ ràng với ban quản lý thị trường. Trong những năm gần đây, thành phố phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cùng với hàng loạt các đơn vị tư nhân, chủ yếu tập trung vào tiếp cận của người tiêu dùng với các sản phẩm được chính phủ chứng nhận, thử nghiệm, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Tuy Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác đã nỗ lực giải quyết vấn đề này, song, mối lo ngại của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm vẫn còn tăng cao.
Thách thức
Các thị trường mới đang cung cấp ngày càng nhiều các loại thực phẩm đã được kiểm định đảm bảo chất lượng, trong khi đó, thành phố vẫn đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo việc cung cấp thực phẩm an toàn và đáng tin cậy cho các thị trường truyền thống, nơi mua sắm chính của đa số cư dân thành phố.
Một thách thức khác đặt ra là thu nhập bình quân đầu người hàng năm của nông dân trồng rau quanh thành phố Đà Nẵng chỉ đạt khoảng 36 triệu đồng (khoảng 1.330 €). Con số này thấp chủ yếu bởi họ thiếu cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị thực phẩm cao hơn như chuỗi giá trị rau an toàn. Việc đảm bảo chất lượng phù hợp với khả năng của người nông dân nhằm giúp họ tiếp cận thị trường thực phẩm an toàn hầu như không có, và có rất ít cơ chế khuyến khích họ đầu tư vào sản xuất thực phẩm an toàn.
Hơn nữa, Đà Nẵng không có khả năng sản xuất phần lớn thực phẩm cho thành phố tiêu thụ. Khoảng 80-85% nhu cầu về các sản phẩm chăn nuôi được đáp ứng bởi hàng nhập khẩu từ các tỉnh khác. Riêng diện tích rau chỉ đạt trên 100 héc ta đất, đáp ứng được 10% nhu cầu của thành phố và chỉ có 3 khu sản xuất được chứng nhận bởi VietGAP. Do tình trạng thiếu đất nông nghiệp, hàng năm có đến 140.000 tấn rau được nhập khẩu từ các tỉnh, thành và quốc gia khác.
Việc đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận với thực phẩm chất lượng và an toàn, cũng như đảm bảo các nông hộ nhỏ được tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn, đang là một trong những ưu tiên trong hợp tác với thành phố Đà Nẵng.
Hợp tác với thành phố Đà Nẵng
Năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng và Rikolto đã ký Biên bản Ghi nhớ trở thành đối tác với mục tiêu biến Đà Nẵng trở thành Thành phố Thực phẩm Thông minh. Vào ngày 6-7/7/2017, hai bên đã tổ chức hội thảo lập kế hoạch có sự tham gia nhằm thống nhất về các định hướng chính trong 5 năm hợp tác trong chương trình Thành phố Thực phẩm Thông minh. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các sở ban ngành thành phố (Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương, Sở Y tế) và đại diện của các tổ chức nông dân, khu vực tư nhân và tổ chức chính trị xã hội. Thông qua đó, các đại biểu đã đưa ra một kế hoạch dự thảo nhằm cải thiện công tác quản lý an toàn thực phẩm của thành phố, tăng nguồn cung rau an toàn tại Đà Nẵng và nâng cao sự tiếp cận và niềm tin của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn.
Chiến lược của chúng tôi
Trên cơ sở các hội thảo tập huấn kỹ năng quản lý, chúng tôi quyết định ưu tiên tập trung nguồn lực vào các hoạt động:
- Hỗ trợ phát triển chiến lược thành phố thực phẩm thông minh tại Đà Nẵng, giúp người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm an toàn và các nông hộ nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm an toàn;
- Thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng sản phẩm (PGS) tại Đà Nẵng thông qua việc thành lập PGS địa phương và đưa ra một quy chế PGS với hi vọng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ đưa PGS vào các chính sách của thành phố;
- Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc sử dụng thực phẩm an toàn và bền vững, các biện pháp tốt nhất để xử lý và chế biến thực phẩm an toàn tại nhà thông qua chiến dịch truyền thông trên toàn thành phố;
- Hợp tác với các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng địa phương nhằm tăng cường khả năng truyền đạt thông tin tốt hơn tới người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến thực phẩm;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho mối liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi thực phẩm tại Đà Nẵng bằng cách hỗ trợ phát triển tập huấn địa phương cho các nhà sản xuất thực phẩm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự liên kết thị trường giữa nhà sản xuất và thị trường, hiện đại và truyền thống.
Mạng lưới các Thành phố Thực phẩm Thông minh Quốc tế của Rikolto
Mạng lưới Thành phố Thực phẩm Thông minh là một sáng kiến kết hợp giữa các thành phố: Ghent (Bỉ), Đà Nẵng (Việt Nam), Solo (Indonesia), Quito (Ecuador), Tegucigalpa (Honduras) và Arusha (Tanzania), cùng với 6 văn phòng khu vực của Rikolto, RIMISP (Trung tâm Phát triển Nông thôn Mỹ Latinh) và Quỹ RUAF.
Mạng lưới Thành phố Thực phẩm Thông minh phát triển các mô hình hợp tác bền vững trong quan hệ đối tác đa bên trên nhiều lĩnh vực khác nhau như liên kết đô thị và nông thôn, các mô hình kinh doanh bền vững giữa các bên tham gia trong chuỗi thực phẩm, cung cấp thực phẩm bền vững, thực phẩm lành mạnh cho trường học, tiếp cận của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn và chất lượng.
Chúng tôi triển khai các hoạt động ở 3 cấp độ khác nhau. Trước hết, chúng tôi thực hiện thí điểm các dự án cụ thể với các thành phố đối tác của chúng tôi về lập kế hoạch chiến lược, chuỗi cung cấp thực phẩm đô thị và thị trấn, phục vụ sinh hoạt bền vững cho các trường học, thực hiện chính sách thực phẩm của thành phố,... Tiếp đến, chúng tôi khuyến khích học hỏi và chia sẻ chuyên môn qua quản lý và trao đổi kiến thức ngang hàng giữa các thành viên của mạng lưới và hơn thế nữa. Cuối cùng, chúng tôi nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng đến chương trình nghị sự quốc tế nhằm hỗ trợ các hệ thống thực phẩm đô thị và các chuỗi giá trị nông thôn - đô thị bao trùm, bền vững hơn bằng cách sử dụng các bằng chứng thu thập được trong hoạt động này để phục vụ thảo luận tại các diễn đàn quốc tế.
Quan điểm về hệ thống
Rikolto sử dụng định nghĩa của CIAT về hệ thống thực phẩm bền vững:
Hệ thống thực phẩm bền vững là hệ thống hướng đến mục tiêu an ninh lương thực và dinh dưỡng, chế độ ăn lành mạnh, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện phúc lợi kinh tế - xã hội. Do đó, các hệ thống thực phẩm bền vững bảo vệ và tôn trọng đa dạng sinh học và hệ sinh thái, cũng như sức khỏe của con người và công bằng xã hội. Hệ thống thực phẩm bền vững cung cấp các loại thực phẩm phù hợp về mặt văn hóa, công bằng về kinh tế, giá cả phải chăng, đầy đủ dinh dưỡng, an toàn và lành mạnh trên cơ sở đảm bảo cân bằng giữa tính toàn vẹn của hệ sinh thái nông nghiệp và phúc lợi xã hội.
Truy cập trang web quốc tế của chúng tôi để tìm hiểu thêm về Mạng lưới Thành phố Thực phẩm Thông minh
Mạng lưới Thành phố Thực phẩm Thông minhDự án đã triển khai từ năm 2017 đến năm 2021.
Dự án đã đạt được một số thành tựu sau:
- Chiến lược và kế hoạch hành động của thành phố thực phẩm thông minh được chính quyền thông qua và triển khai tại Đà Nẵng;
- Tiêu thụ thực phẩm an toàn của người dân Đà Nẵng tăng cao, bao gồm cả các nhóm thu nhập thấp và trung bình;
- Người tiêu dùng công nhận phương pháp xử lý và chế biến thực phẩm an toàn;
- Quản lý về an toàn thực phẩm của chính quyền thành phố Đà Nẵng được củng cố;
- Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được mở ra tại các thị trường truyền thống nhằm mang lại thực phẩm chất lượng tại các cửa hàng quen thuộc với người tiêu dùng;
- Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng sản phẩm được đưa vào trong chính sách nông nghiệp và thực phẩm của thành phố và là một phần không thể thiếu trong chiến lược cung cấp thực phẩm an toàn đáng tin cậy đối với người tiêu dùng;
- Đà Nẵng tích cực đóng góp vào các hoạt động của Mạng lưới các Thành phố Thực phẩm Thông minh Quốc tế của Rikolto bằng cách cung cấp bằng chứng về các chính sách và sáng kiến thành công cho một hệ thống thực phẩm đô thị bền vững hơn;
- Đà Nẵng trở thành một thí điểm về một thành phố thực phẩm thông minh ở Việt Nam, tạo cảm hứng cho các thành phố khác trong cả nước hướng tới.
Đóng góp vào Mục tiêu phát triển bền vững
Chương trình Thành phố thực phẩm thông minh của Rikolto tại Việt Nam sẽ đóng góp cho những Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), cụ thể như sau:
SDG 1: Xoá nghèo trên cả nước dưới mọi hình thức
- Mục tiêu 1.7. Mở ra các khuôn khổ chính sách đúng đắn ở các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, dựa trên những chiến lược phát triển hỗ trợ người nghèo và giới, hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư vào các hoạt động xóa đói giảm nghèo.
SDG 2: Chấm dứt nạn đói, bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao chất lượng dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững
- Mục tiêu 2.1. Đến năm 2030, chấm dứt đói nghèo và đảm bảo tất cả mọi người có thể tiếp cận thực phẩm an toàn và đầy đủ dinh dưỡng trong suốt cả năm, đặc biệt là người nghèo và người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh.
- Mục tiêu 2.3. Đến năm 2030, tăng gấp đôi năng suất nông nghiệp và thu nhập cho người sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, người dân bản địa, nông hộ, nông dân và ngư dân, cụ thể là thông qua việc tiếp cận bình đẳng và an toàn với đất đai, các nguồn lực và đầu vào khác, kiến thức, thị trường, cơ hội gia tăng giá trị và việc làm phi nông nghiệp.
- Mục tiêu 2.4. Đến năm 2030, đảm bảo hệ thống sản xuất thực phẩm bền vững và thực hiện các biện pháp canh tác bền vững nhằm tăng năng suất và sản xuất, giúp duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt và các thảm hoạ khác, dần dần cải thiện chất lượng đất nông nghiệp và trồng trọt.
SDG 5: Đạt được bình đẳng về giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái
- Mục tiêu 5.5: Đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của phụ nữ và các cơ hội nắm quyền lãnh đạo bình đẳng ở các cấp trong việc đưa ra quyết định đối với đời sống chính trị, kinh tế và cộng đồng
. SDG 11: Tạo ra sự bao trùm, an toàn, linh hoạt và bền vững cho các thành phố và các khu dân cư
- Mục tiêu 11.6: Đến năm 2030, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường theo đầu người, bao gồm cả việc chú trọng đến chất lượng không khí và quản lý rác thải đô thị và các loại rác thải khác.
- Mục tiêu 11A: Hỗ trợ các mối liên kết kinh tế, xã hội và môi trường tích cực giữa thành thị, ngoại thành với nông thôn bằng cách đẩy mạnh kế hoạch phát triển trong nước và khu vực
SDG 12: Đảm bảo tiêu dùng và sản xuất bền vững
- Mục tiêu 12.1. Tất cả các quốc gia đều thực hiện khung chương trình 10 năm về tiêu thụ và sản xuất bền vững (10YFP), trong đó các quốc gia phát triển đi đầu, có tính đến sự phát triển và năng lực của các quốc gia đang phát triển.
- Mục tiêu 12.3. Đến năm 2030, giảm một nửa số lượng thực phẩm theo đầu người trên cả người bán và người mua, giảm lượng thực phẩm bị thất thoát trong chuỗi sản xuất và cung ứng, bao gồm cả sau thu hoạch.
SDG 13: Thực hiện hành động khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu
- Mục tiêu 13.1: Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với các mối nguy liên quan đến khí hậu và thiên tai ở tất cả các quốc gia.
SDG 17: Tăng cường các phương tiện thực hiện và khôi phục mối quan hệ đối tác toàn cầu về phát triển bền vững
- Mục tiêu 17.7: Khuyến khích và thúc đẩy hiệu quả quan hệ đối tác công, công-tư và xã hội dân sự dựa trên kinh nghiệm và chiến lược về nguồn lực của các đối tác.