Thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP ở Việt Nam

Thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP ở Việt Nam

02/10/2020

Tham dự Hội thảo bao gồm đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (DCRD), các tổ chức quốc tế Rikolto, GIZ và Oxfam, Tập đoàn Lộc Trời, các cơ quan, tổ chức cấp trung ương và địa phương, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và hợp tác xã liên quan tới chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.

Lúa gạo là mặt hàng quan trọng chiến lược, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong những năm vừa qua đã có sự cải thiện rõ rệt theo hướng sản xuất sạch, an toàn, giống chất lượng cao. Theo số liệu của IPSARD, tỉ lệ gạo xuất khẩu chất lượng thấp (15-50% tấm) giảm từ 59% (năm 2010) xuống còn 18% (năm 2018). Tỷ trọng gạo thơm và jasmine tăng từ 3% (năm 2010) lên khoảng 40% (năm 2018). Một trong những nguyên nhân chính là nhờ áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt, các tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, trong đó có SRP (Sustainable Rice Platform).

Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP) là một trong những bộ tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy việc áp dụng các thực hành sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng hiệu quả các tài nguyên như nước và hóa chất công nghiệp. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn SRP đã được thử nghiệm và phát triển trong một dự án phát triển. Để thúc đẩy SRP ở Việt Nam, một nhóm công tác RSP đã được thành lập với mục tiêu hướng tới mở rộng thành mạng lưới. Các thành viên nòng cốt hiện tại gồm có IPSARD, DCRD, Rikolto, GIZ, Oxfam và Tập đoàn Lộc Trời.

Hội thảo “Thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP ở Việt Nam” nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm áp dụng tiêu chuẩn SRP, thảo luận về các công việc cần ưu tiên và thống nhất lộ trình thúc đẩy tiêu chuẩn SRP ở Việt Nam. Tầm nhìn của nhóm trong các hoạt động hỗ trợ áp dụng SRP bao gồm hỗ trợ kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn SRP, thúc đẩy các cơ quan Nhà nước và tác nhân tham gia khuyến khích, áp dụng tiêu chuẩn SRP và thúc đẩy các sáng kiến thị trường cho áp dụng tiêu chuẩn SRP ở quy mô lớn. Các hoạt động chủ yếu bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương triển khai SRP và nâng cao liên kết chuỗi giá trị sản xuất theo SRP.